Trang chủ / Góc sinh viên / Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức Hội thảo khoa học Vật liệu tiên tiến và ứng dụng

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức Hội thảo khoa học Vật liệu tiên tiến và ứng dụng

ppblong / 1:05 am 13/12/2022

Sáng ngày 07/12/2022, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT – Trường ĐH Nguyễn Tất thành đã tổ chức hội thảo khoa học “Vật liệu tiên tiến và ứng dụng”. Hội thảo được tổ chức nhằm tạo cơ hội để kết nối các nhà khoa học với các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ vật liệu tiên tiến, ứng dụng khoa học công nghệ và một số lĩnh vực liên quan khác, cùng nhau trao đổi về chuyên môn, hợp tác nghiên cứu và ứng dụng triển khai các kết quả nghiên cứu để tạo sản phẩm đưa ra thị trường. Hội thảo nhận được sự quan tâm tham dự của các nhà khoa học, các chuyên gia và các giảng viên đến từ các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu và công ty

Tại hội thảo, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT hân hạnh được tiếp đón sự tham dự của các đại biểu, khách mời là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, giảng viên và các nhà nghiên cứu khoa học đang công tác tại các cơ quan, đơn vị trong nước như: ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP. HCM; ĐH Bách Khoa, ĐHQG TP. HCM; ĐH Hutech; ĐH Thủ Dầu Một; ĐH Nha Trang; ĐH Fulbright Việt Nam; ĐH Việt Đức; ĐH Duy Tân; ĐH Công nghiệp TP. HCM; ĐH Sư Phạm Kỹ thuật; ĐH Tôn Đức Thắng; ĐH Đồng Tháp; Viện Công nghệ Nano, ĐHQG TP. HCM; Trung tâm Hạt nhân TP. HCM – Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam; Viện Khoa học Vật liệu và Ứng dụng – Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam; Công ty Bayer Việt Nam; Công ty Finos Technology.
Về phía Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có sự tham dự và chủ trì của PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó hiệu trưởng; PGS.TS. Bạch Long Giang – Trưởng phòng Khoa học Công nghệ; TS. Vũ Văn Vân – Viện trưởng Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT cùng quý thầy cô và chuyên viên nghiên cứu đang công tác tại các khoa/viện của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.


PGS.TS. Trần Thị Hồng phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Hồng khẳng định hoạt động khoa học công nghệ là một trong những công tác trọng tâm chiến lược của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và đã điểm qua kế hoạch đầu tư cho các nghiên cứu khoa học tại Trường. PGS.TS. Trần Thị Hồng cũng đã giới thiệu sơ nét về quá trình hình thành và phát triển cũng như vai trò, nhiệm vụ của Viện Kỹ thuật Công nghệ cao đối với Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong việc đẩy mạnh các hoạt động khoa học công nghệ.

TS. Vũ Văn Vân – Viện trưởng Viện Kỹ thuật Công nghệ cao

TS. Vũ Văn Vân – Viện trưởng Viện Kỹ thuật Công nghệ cao đã giới thiệu với hội thảo về các hoạt động nghiên cứu và hợp tác của Viện, những kết quả nghiên cứu của Viện đã đạt được và các hướng triển khai trong thời gian sắp tới. Viện luôn nhận được sự quan tâm ủng hộ của lãnh đạo Trường và mong muốn có thể hợp tác với các nhà khoa học trong các lĩnh vực và hướng nghiên cứu mà Viện đã và đang thực hiện.

PGS.TS. Ngô Đăng Nghĩa và TS. Trần Thị Như Hoa trình bày tại hội thảo

Nội dung hội thảo diễn ra với sự trình bày về các kết quả và định hướng nghiên cứu khoa học của 05 diễn giả khách mời: PGS.TS. Ngô Đăng Nghĩa – Entropy approach to minimization of machining processes in environmental protection; TS. Nguyễn Thị Liên Thương – CdS, CdSe Nanotechnology: Synthesis and Applications; TS. Đoàn Đức Chánh Tín – Nanomaterials and nanodevices for energy, environment, and biomedical research at INT; TS. Trần Thị Như Hoa – Giới thiệu các loại cảm biến trên nền các vật liệu nano kim loại, vật liệu lai hóa hướng đến các ứng dụng môi trường, y-sinh học; TS. Lưu Anh Tuyên – Applications of ion beams and nuclear analytical spectroscopies in exploring structures at atomic and nanoscale of materials.


Toàn cảnh hội thảo 

Sau mỗi bài trình bày của diễn giả khách mời luôn là phần thảo luận sôi nổi giữa các chuyên gia và nhà nghiên cứu khoa học về các vấn đề quan tâm xoay quanh những nội dung chính, gồm có: định hướng tổng hợp vật liệu polymer sinh học từ nguồn hợp chất thiên nhiên để đưa vào ứng dụng trong y khoa; đưa ra các giải pháp để giảm thiểu sự ảnh hưởng đến môi trường cả trong quá trình sản xuất lẫn trong và sau quá trình sử dụng pin mặt trời; chế tạo các vật liệu nano phục vụ cho nuôi thủy sản, chế tạo CNT và graphene để tạo màng làm sạch môi trường, chế tạo cảm biến kiểm tra chất lượng nước, mực in phun dẫn điện, …; khả năng thương mại hóa của các cảm biến tán xạ Raman tăng cường bề mặt (SERS) dùng cho y sinh (chẩn đoán bệnh) và môi trường (phát hiện kim loại nặng); sử dụng các phương pháp phân tích năng lượng hạt nhân để xác định cấu trúc nguyên tử của vật liệu thuần và vật liệu pha tạp, từ đó xác định các tính chất của vật liệu một cách chính xác nhất trước khi đưa vào ứng dụng cụ thể.
Đặc biệt, sau buổi hội thảo các nhà nghiên cứu khoa học và các chuyên gia đã có những kết nối với nhau về sự hợp tác hỗ trợ trong việc sử dụng trang thiết bị thí nghiệm cũng như các phân tích đo đạc, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các định hướng nghiên cứu trong nước. Điều này thể hiện hội thảo khoa học “Vật liệu tiên tiến và ứng dụng” đã thành công tốt đẹp.

Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT

Tags:
1900 2039