Ngay sau khi xảy ra vụ việc nhóm đối tượng dùng súng tấn công trụ sở UBND xã Ea Tiêu, Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào rạng sáng 11/6 gây tổn thất nghiêm trọng về người và ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương, thì trên mạng xã hội và những trang báo tiếng Việt từ nước ngoài, những thông tin liên quan vụ việc này cũng xuất hiện, trong đó có nhiều thông tin sai lệch, cố tình bóp méo, suy diễn vụ việc.
Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc
Trên các trang tiếng Việt ở hải ngoại như BBC, RFA, VOA… đăng nhiều tin bài, trích dẫn nhiều ý kiến từ những đối tượng phản động, cơ hội chính trị hòng xuyên tạc bản chất vụ việc. Theo họ, nguyên nhân “châm ngòi” cho sự việc ngày 11/6 là tranh chấp đất đai và căng thẳng sắc tộc lâu nay dâng cao tại Tây Nguyên. Các trang này đăng tải các thông tin quy chụp rằng “người dân Tây Nguyên bị cướp đất”, “bị cô lập”… nên “phải vùng dậy”, và đưa ra các nhận định đổ lỗi cho chính quyền.
Trên BBC có hàng loạt bài như: “Vụ nổ súng ở Đắk Lắk: Có phải người Tây Nguyên thành bộ phận dân số nghèo nhất?”; “Vụ hai đồn công an ở Đắk Lắk bị tấn công: Tức nước vỡ bờ vì mâu thuẫn đất đai và tôn giáo?”; “Câu chuyện Tây Nguyên và người dân sắc tộc của núi rừng trong lòng tôi”… BBC cho rằng: “Mất đất đai, trở thành thiểu số, không được thực hành niềm tin tôn giáo… và đa số cán bộ ở Tây Nguyên là người Kinh”. “Việc tấn công vào trụ sở công an tại hai xã vừa qua rất có thể là phản ứng của sự phẫn nộ, phản kháng khi người sắc tộc bị dồn vào đường cùng”… BBC còn dẫn lời của Phil Robertson, Phó Giám đốc HRW-một tổ chức luôn có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với Việt Nam để cho rằng, Việt Nam cô lập người dân sinh sống ở Tây Nguyên với cộng đồng quốc tế…
Trên RFA và VOA cũng đăng tải nhiều bài viết mang tích suy diễn, quy kết, đổ lỗi sự việc cho chính quyền, thậm chí xuyên tạc, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của Việt Nam, kiểu như: “Ngọn lửa Tây nguyên-Cháy tiếp hay sẽ bị dập tắt?”; “Người Thượng tấn công chính quyền vì tức nước vỡ bờ?”; “Bạo động ở Đắk Lắk: Nguyên nhân gốc rễ là xung đột văn hóa, ngược đãi?”; “Bạo động ở Đắk Lắk: Gốc rễ là người dân tộc không khuất phục, không quy thuận người Kinh?”…
Cùng với những sự can thiệp đầy ác ý của các trang tiếng Việt ở hải ngoại, mạng xã hội cũng xuất hiện những tin giả, tin không đúng sự thật. Nhiều hình ảnh, video được chỉnh sửa, cắt ghép xuất hiện với ý đồ rõ rệt là gây hoang mang dư luận và kích động người dân, hướng về chỉ trích chính quyền sở tại và Nhà nước. Nguyễn Văn Đài, một phần tử phản động đang tị nạn ở nước ngoài lên trang cá nhân trắng trợn bịa đặt, rằng “người dân Tây Nguyên đã đứng lên khởi nghĩa…”.
Nhưng xem lại vụ việc sáng ngày 11/6, chúng ta thấy những lập luận trên là không có căn cứ. Vụ dùng súng tấn công và trụ sở Công an ở Đắk Lắk là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người, phá hỏng nhiều tài sản của Nhà nước và của nhân dân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh trật tự, tính mạng, sức khỏe của người dân.
Tại Hội nghị Cấp cao những người đứng đầu lực lượng chống khủng bố các nước, do Liên hợp quốc tổ chức tại New York (Mỹ), từ ngày 19-22/6, Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an đã khẳng định, hoạt động của nhóm đối tượng tấn công trụ sở chính quyền và người dân tại tỉnh Đắk Lắk vào ngày 11/6 là hoạt động khủng bố có tổ chức. Theo đó, 2 nhóm đối tượng được trang bị súng và vũ khí tự chế đã tấn công trụ sở chính quyền và người dân trên đường đi. Vụ việc khiến 9 người chết, 2 người bị thương, 3 con tin bị bắt giữ.
Như vậy là đã rõ, đây là vụ phạm tội có tổ chức, có vũ trang và có sự giật dây từ các tổ chức phản động lưu vong… Hành vi gây án của các đối tựng rất manh động, thủ đoạn tàn độc, gặp ai giết người nấy, bất chấp thân phận của nạn nhân. Ngoài các tình tiết giết người bằng súng đạn và dao quắm thì nhóm tội phạm còn dùng vũ lực giết người, cướp, phá hủy tài sản (xe bán tải và xe tải chở hàng của người dân) và bắt con tin để làm lá bùa hộ mạng trên đường trốn chạy. Với tính chất đặc biệt nghiêm trọng đó, cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố vụ án “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm và tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”. Theo đó, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can 84 người, trong đó có 75 bị can bị bắt giam về tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”; 7 bị can bị khởi tố về tội “không tố giác tội phạm”; 1 bị can về tội che giấu tội phạm và 1 bị can về tội “tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”.
Quan điểm nhất quán về vấn đề dân tộc
Trong các giai đoạn cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định: Vấn đề dân tộc luôn có vị trí chiến lược, lâu dài trong sự nghiệp cách mạng. Thực hiện bình đẳng, đoàn kết, tương trợ trên tinh thần tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau giữa các tộc người, hướng tới mục tiêu chung độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Trên cơ sở đó, Đảng và Nhà nước ta đề ra một hệ thống giải pháp nhằm thực hiện quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa giữa các tộc người, trong đó có sự quan tâm đến các tộc người thiểu số, giải quyết đúng đắn mối quan hệ lợi ích giữa các tộc người thiểu số, phát huy bản sắc tốt đẹp của mỗi tộc người, làm cho các tộc người đoàn kết, bình đẳng, tương trợ và giúp nhau cùng phát triển, tạo nên sức mạnh của cả dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Điều 5, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 cũng khẳng định: “1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. 2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. 4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”.
Từ quan điểm, chủ trương nhất quán về vấn đề dân tộc, thông qua các chương trình phát triển kinh tế-xã hội và chính sách cụ thể đối với các vùng, các dân tộc để động viên đồng bào phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần vươn lên trong phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo.
Riêng đối với vùng đất Tây Nguyên, nơi hiện diện của 52 dân tộc anh em, từ một cơ cấu lạc hậu và thiếu cân đối, kinh tế Tây Nguyên hiện nay đã có bước chuyển dịch mạnh mẽ cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả với mức tăng trưởng bình quân đạt gần 12%/năm; chênh lệch thu nhập quốc dân bình quân đầu người so với cả nước thu hẹp nhanh. Hạ tầng kinh tế-xã hội Tây Nguyên được tập trung đầu tư và đã có phát triển đáng kể. Văn hóa, xã hội được đặc biệt quan tâm và có chuyển biến rõ nét. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc đã đạt bước tiến triển mới; hơn một nửa số buôn làng từ nghèo đói đã đạt mức sống trung bình và khá, nhiều hộ gia đình đã giàu có, trở thành mô hình sáng về phát triển kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên cũng đã có những người được tín nhiệm giao phó những vị trí lãnh đạo Đảng, chính quyền một số tỉnh như Bí thư của tỉnh Đắk Lắk cả 4 nhiệm kì là các ông Y Luyện Niê Kdăm, Niê Thuật, Êban Y Phu đều là người dân tộc Ê Đê; Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai Ksor H’Bơ Khăp hiện nay là người dân tộc Gia Rai… Trong đời sống văn hóa, Tây Nguyên cũng còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị thẩm mỹ độc đáo như: Nhà rông, nhà dài, đàn đá, tượng nhà mồ, các lễ hội và kho tàng văn học dân gian với những bản trường ca, truyện cổ, truyện ngụ ngôn, lời nói vần, những làn điệu dân ca đậm đà bản sắc lưu truyền qua nhiều thế hệ. Một trong những di sản nổi tiếng là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…
Mới đây nhất, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) lần thứ 8 năm 2023 với chủ đề “Buôn Ma Thuột, thành phố cà phê-Nơi khởi nguồn sáng tạo”, thu hút hàng chục nghìn du khách trong nước và quốc tế. Hoa hậu người dân tộc thiểu số đầu tiên H’Henie là nguồn cảm hứng rất lớn đối với bạn bè quốc tế về những giá trị truyền thống ở Tây Nguyên. Và hiện tại Tây Nguyên cũng là điểm đến yêu thích của du khách nước ngoài.
Thực tiễn sinh động đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đồng bào Tây Nguyên đã khẳng định quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề dân tộc, đó là bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển; đó cũng là minh chứng hùng hồn phản bác lại luận điệu xuyên tạc, vu khống về cái gọi là “người dân Tây Nguyên bị cướp đất”, “bị cô lập” của các thế lực thù địch.
Theo Hương Sen Việt