Trang chủ / Góc sinh viên / Chuyên gia quốc tế quy tụ tại lớp học mùa hè của NTTU bàn về an toàn đường bộ

Chuyên gia quốc tế quy tụ tại lớp học mùa hè của NTTU bàn về an toàn đường bộ

ppblong / 1:15 am 06/09/2023

Từ ngày 21/8 đến 1/9 – Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã tổ chức thành công lớp học “The Summer School: Road Safety Management” (Trường học mùa hè: Quản lý an toàn đường bộ) theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Được biết, “The Summer School: Road Safety Management” là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án ASIASAFE – Phát triển và Nâng cao Năng lực trong việc xây dựng Chương trình Thạc sĩ An toàn giao thông tại các trường đại học châu Á, được tài trợ bởi Ủy ban châu Âu.

Các chuyên gia quốc tế quy tụ tại “The Summer School: Road Safety Management”

Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia, tiến sĩ, giảng viên và sinh viên đến từ các trường đại học Việt Nam, Ý, Malaysia và Indonesia trực tiếp học tập và làm việc tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (NTTU). Bên cạnh đó, lớp học có hàng trăm chuyên gia, học viên tham gia trực tuyến.

Phiên bế mạc lớp học diễn ra vào ngày 31/8 có sự tham gia của TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Thái Hồng Thụy Khánh – Trưởng khoa Tài chính Kế toán, Đại diện phụ trách lớp học; Th.S Lê Quang Khánh – Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, cùng lãnh đạo các Khoa/Viện, nghiên cứu sinh, học viên cao học, và sinh viên quan tâm đến tham dự.

Thông qua chương trình, sinh viên các nước có thể giao lưu, tiếp cận với những phương pháp dạy học khác nhau từ các chuyên gia, giảng viên châu Âu và Việt Nam. Đồng thời, giảng viên trong nước có thể hợp tác và trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp quốc tế. Người tham gia sẽ trao đổi những giải pháp tối ưu như: ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành và quản lý an toàn giao thông, mô hình xe buýt nhanh (BRT)…

Các chuyên gia và học viên tham quan Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP. HCM và các cơ sở đào tạo của NTTU

Ngoài lớp học, người tham gia đã tham quan Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP HCM và các cơ sở của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, tọa lạc ở những nút giao thông quan trọng và đông đúc (quận 4, quận 12 và TP Thủ Đức). Nhờ đó, sinh viên quốc tế có thể hiểu hơn về tình trạng giao thông tại Việt Nam nói chung và tại TP HCM nói riêng.

Phát biểu tại phiên bế mạc TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Nhà trường đã gửi lời cảm ơn đến quý trường đối tác, các nhà khoa học, chuyên gia và học giả đã dành thời gian tham dự lớp học. TS cho biết lớp học lần này đã kết nối được nhiều nhà nghiên cứu uy tín trong và ngoài nước, đóng góp nhiều giải pháp, ý tưởng về quản lý an toàn giao thông đường bộ theo hướng rộng mở.

Theo TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Nhà trường: “Khóa học là nơi xóa nhòa ranh giới ngôn ngữ, văn hóa để mọi học viên được tự do khám phá, chia sẻ kiến thức, trong đó có văn hóa giao thông khu vực và quốc tế”

TS chia sẻ thêm: “Nhà trường tin rằng trong thời gian trao đổi kiến thức ngắn trong vòng 2 tuần của khóa học, sinh viên và giảng viên đã học được nhiều điều từ nhau về an toàn đường bộ và các phương pháp hay nhất từ các nước Châu Âu, Châu Á và Việt Nam khi đến thăm cơ sở của Trường và Trung tâm Quản lý Giao thông Đô thị TP.HCM”.

Giáo sư, Tiến sĩ Antonio, Đại học Rome Tor Vergata (Italy), Phó điều phối dự án ASIASAFE gửi lời cảm ơn sâu sắc đến NTTU vì đã tổ chức một lớp học rất hữu ích mang tầm quốc tế. Vị này nhấn mạnh: “The Summer School: Road Safety Management sẽ cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết về quản lý an toàn giao thông đường bộ cho người học, đề từ đó giúp người tham gia có thể hình thành những cách tiếp cận mới để giải quyết, cải thiện các vấn đề quan trọng liên quan đến an toàn giao thông của xã hội nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng, bởi vì đây được xem là một trong những vấn đề cấp thiết không chỉ ở Việt Nam mà còn của thế giới”.

Giáo sư, Tiến sĩ Antonio, Đại học Rome Tor Vergata (Italy), Phó điều phối dự án ASIASAFE gửi lời cảm ơn sâu sắc đến NTTU

Theo các chuyên gia, ba quốc gia Đông Nam Á là đối tác của dự án, gồm: Indonesia, Malaysia và Việt Nam, chỉ chiếm ít hơn 3% tổng lượng phương tiện giao thông toàn thế giới. Tuy nhiên, khoảng 12% tổng số ca tử vong đường bộ của thế giới lại xảy ra tại đây. Hiện nay, tai nạn giao thông đường bộ là một trong những nguyên nhân chính gây thương vong ở ba nước này, với phần lớn nạn nhân ở độ tuổi từ 15 đến 49, tức độ tuổi lao động quan trọng nhất của nền kinh tế.

Các học viên được ban tổ chức chương trình trao giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học

Tỷ lệ xe hai, ba bánh ở khu vực rất cao so với trung bình của thế giới: Việt Nam 93%, Malaysia 60% và Indonesia 55%. Trong khi đó, hai quốc gia đối tác đến từ châu Âu (Bồ Đào Nha và Italy) cũng có tỷ lệ xe máy khá cao (khoảng 20%) nhưng tỷ lệ tử vong do giao thông lại thấp hơn đáng kể.

Từ những tương đồng và khác biệt đó, các đối tác trong dự án có thể cùng nhau rút ra nhiều bài học kinh nghiệm về quản lý an toàn giao thông.

Tri Hapsari Mulyakusuma – nữ kỹ sư thuộc Trường Đại học Gadjah Mada chia sẻ, đây là lần đầu tiên bà đến Việt Nam. “Đường xá tuy khá là giống ở Indonesia nhưng tôi có những hiểu biết mới. Các điểm khác biệt này sẽ cho tôi gợi ý để cải thiện tình hình ở nước tôi”, bà nói thêm.

Theo đại diện NTTU, hiện nay, ở cấp độ sau đại học, sinh viên các ngành giao thông vận tải ít được học về an toàn giao thông, đa số tập trung vào kỹ thuật hoặc thiết kế. Vì vậy, mục tiêu của dự án là hỗ trợ việc xây dựng một chương trình đào tạo thạc sĩ hiện đại trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ của cả nước nói chung và tại NTTU nói riêng. Trường cũng là đại học duy nhất khu vực phía Nam tham gia dự án.

Bài viết: Cẩm Thạch

Hình ảnh: Media

Tags:
1900 2039