Trang chủ / Góc sinh viên / Tập huấn xây dựng phương pháp kiểm tra đánh giá người học để đo lường mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra học phần và chương trình đào tạo

Tập huấn xây dựng phương pháp kiểm tra đánh giá người học để đo lường mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra học phần và chương trình đào tạo

ppblong / 1:13 am 11/09/2024

Nhằm công khai hóa các nhận định về năng lực, giúp cơ sở đào tạo nói chung cũng như giảng viên có căn cứ để nhận ra những điểm mạnh, điểm yếu của mình, tự điều chỉnh, hoàn thiện hoạt động dạy học, phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học, ngày 7/9/2024, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã tổ chức tập huấn Xây dựng phương pháp kiểm tra đánh gia người học để đó lường mức độ đạt được chuẩn đầu ra học phần và chương trình đào tạo. Buổi tập huấn do PGS. TS. Lê Văn Hảo giảng dạy và hướng dẫn trực tiếp cùng với sự tham gia của hơn 100 nhân sự từ 31 đơn vị đào tạo và hỗ trợ đào tạo, khoa, viện, trung tâm của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

PGS. TS. Lê Văn Hảo tốt nghiệp ngành Vật lý vào năm 1981, tiếp tục nhận bằng Thạc sĩ giáo dục học tại Trường ĐH Simon Fraser, Canada vào năm 1996 và bằng Tiến sĩ giáo dục học tại ĐH Melbourne, Úc vào năm 2001. Ông có chuyên môn trong các lĩnh vực phát triển chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và đánh giá, đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục, cùng với quản trị chiến lược trong giáo dục. Từ năm 1981, ông là công tác tại Trường Đại học Nha Trang, giữ vị trí Trưởng phòng Đảm bảo Chất lượng và Khảo thí. Ông cũng từng là học giả tại Washington State University, Hoa Kỳ và University of Melbourne, Úc. Ông là một trong những Kiểm định viên đánh giá chất lượng giáo dục đại học đầu tiên của Việt Nam. Hiện nay, PGS. TS. Lê Văn Hảo là Trưởng Bộ phận Học thuật xuất sắc tại Trường ĐH Quốc tế Miền Đông.

PGS. TS. Lê Văn Hảo đã mở đầu phần giảng dạy với việc hệ thống hóa các phương pháp đánh giá học tập, giúp giảng viên hiểu rõ hơn về ba tiếp cận chính trong đánh giá: đánh giá học tập (Assessment of Learning), đánh giá hỗ trợ học tập (Assessment for Learning) và đánh giá như hoạt động học tập (Assessment as Learning). Các phương pháp này không chỉ giúp đo lường mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người học phát triển kỹ năng và kiến thức một cách toàn diện.

Để giúp các giảng viên có cái nhìn thực tiễn hơn, buổi tập huấn cũng dành thời gian cho các hoạt động thực hành. Các giảng viên được yêu cầu nhận diện các phương pháp đánh giá hiện đang áp dụng tại khoa, bộ môn của mình và đưa ra đề xuất cải tiến. Trên cơ sở đó, họ đã được hướng dẫn xây dựng ma trận đề thi cho một học phần cụ thể, qua đó hiểu rõ hơn về quy trình thiết kế đề thi nhằm đánh giá chính xác mức độ đạt chuẩn đầu ra.

Toàn cảnh của buổi tập huấn

Tập huấn cũng tập trung vào việc giúp giảng viên sử dụng các công cụ đánh giá nâng cao như đánh giá đích thực (Authentic Assessment) và rubric – công cụ giúp đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra của người học.
Phiên thảo luận cuối cùng đã tạo cơ hội để các giảng viên trao đổi kinh nghiệm và những thách thức trong việc triển khai các phương pháp đánh giá mới, đặc biệt trong bối cảnh giáo dục đa dạng của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

Một số hình ảnh của buổi tập huấn 

Buổi tập huấn không chỉ mang lại những kiến thức và kỹ năng hữu ích về phương pháp đánh giá mà còn giúp giảng viên hiểu rõ hơn về vai trò của việc kiểm tra, đánh giá trong quá trình giảng dạy và học tập. Đánh giá không chỉ là công cụ đo lường mà còn là động lực thúc đẩy người học phát triển và hoàn thiện bản thân.

Với sự hướng dẫn nhiệt tình và giàu kinh nghiệm của PGS. TS. Lê Văn Hảo, các giảng viên đã được trang bị những công cụ và phương pháp hữu ích để nâng cao chất lượng giảng dạy và đánh giá. Qua đó, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành kỳ vọng sẽ tiếp tục cải tiến chất lượng đào tạo, đảm bảo chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo, và nâng cao sự hài lòng của sinh viên./.

Thực hiện: Trung tâm Khảo thí

Ảnh: Media 

Tags:
1900 2039