Workshop “Future-Ready Education: Advancing Innovation Pedagogical Methods in Higher Education” (Giáo dục cho Tương lai: Nâng tầm phương pháp giảng dạy đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học) đã diễn ra thành công tại Hội trường A801 Cơ sở Quận 4 Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.
Sự kiện do NTTU phối hợp với Viện Đổi mới Sáng tạo Mở và Doanh nhân Công nghệ (OITI) NTTU tổ chức, được bảo trợ bởi Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (NATEC) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Workshop đã trở thành điểm gặp gỡ ý nghĩa để thảo luận về các phương pháp giảng dạy đổi mới sáng tạo, với sự dẫn dắt của các diễn giả hàng đầu chuyên gia, nhà giáo dục và đại diện các tổ chức giáo dục trong và ngoài nước
Về phía khách mời, sự kiện vinh dự đón tiếp Ông Mika J. Kortelainen – Giám đốc Kinh doanh của Đại học Khoa học Ứng dụng Laurea (Phần Lan); bà Bùi Thanh Hằng – Cán bộ phụ trách Đổi mới sáng tạo và Hợp tác Quốc tế, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (NATEC), Giám đốc dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo mở Soihub;
Bà Lê Vân Anh – Quản lý tài năng, Work in Finland, Thương vụ Phần Lan; ông Bùi Trung Hiếu – Phó viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo mở và doanh nhân công nghệ (OITO); ông Nguyễn Đình Quý – Đồng sáng lập, CEO Workflow.
Về phía Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, có sự hiện diện của PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Thái Hồng Thuy Khánh – Trưởng Khoa Tài chính Kế toán; GS.TS. Nguyễn Văn Tập – Trưởng khoa Y học cổ truyền và Quản lý y tế; TS. Mã Văn Phúc – Phó trưởng khoa Kiến trúc Nội thất Mỹ thuật ứng dụng;
TS. Nguyễn Ngọc Trang – Quyền phó trưởng Viện Khoa học liên ngành; ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó trưởng Phòng truyền thông; TS. Hoàng Thịnh Nhân – Phó Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo khởi nghiệp; ThS. Huỳnh Hồng Mai – Phó Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo khởi nghiệp.
Phát biểu khai mạc chương trình, PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó hiệu trưởng NTTU, nhấn mạnh vai trò quan trọng của các trường đại học trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.
PGS Hồng cho biết: “Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã và đang đi theo định hướng trường đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, qua đó Nhà trường luôn chú trọng đẩy mạnh các hoạt động liên quan. Workshop lần này cũng là cơ hội để NTTU thể hiện cam kết của mình trong việc kiến tạo môi trường giáo dục tiên tiến và sáng tạo”.
Mở đầu workshop, bà Lê Vân Anh đã cung cấp cái nhìn tổng quan về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Phần Lan, một quốc gia đi đầu trong đổi mới giáo dục. Bài tham luận đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển giáo dục trong thời đại mới.
Trong đó, sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học, doanh nghiệp và chính phủ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của cơ sở giáo dục. Các phương pháp đào tạo khởi nghiệp sáng tạo dựa trên thực tiễn, các bài học đưa ta là gợi ý dành cho các trường đại học Việt Nam trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.
Tiếp theo đó, ông Mika J. Kortelainen đã có phần tham luận về “Mô hình giảng dạy Learnng by Developing (LbD): Kết nối đối tác thực tế và viện trường”, với kinh nghiệm phát triển mô hình “Learning by Developing” (LbD), đã mang đến những góc nhìn thực tiễn từ Phần Lan. Ông khẳng định rằng việc áp dụng phương pháp học tập thông qua phát triển không chỉ nâng cao khả năng sáng tạo mà còn xây dựng năng lực giải quyết vấn đề của sinh viên.
Phía Trường đại học Nguyễn Tất Thành cũng đã có những chia sẻ và đúc kết kinh nghiệm trên “Hành trình đổi mới sáng tạo trong giáo dục của trường Đại học Nguyễn Tất Thành: Sứ mệnh, tầm nhìn, chiến lược và mô hình” qua phần tham luận của TS. Hoàng Thịnh Nhân. Các sáng kiến đổi mới của Nhà trường được trình bày bao gồm việc thúc đẩy các chương trình khởi nghiệp, hợp tác nghiên cứu khoa học, và chuyển giao công nghệ.
Không dừng lại ở lý thuyết, workshop còn mang đến các case study thành công do Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp cùng các đối tác. Các mô hình triển khai tại Việt Nam cũng được so sánh với các quốc gia tiên tiến như Phần Lan, Hàn Quốc và Mỹ, nơi chính phủ và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Ông Bùi Trung Hiếu đã có phần tham luận “Giới thiệu dự án đào tạo Case Study – Hợp tác giữa OITI và NTTU”, dự án đã phát triển các bài giảng dựa trên tình huống thực tế từ các startup Việt Nam, xây dựng nền tảng vững chắc cho việc triển khai các phương pháp giáo dục đổi mới cho Việt Nam.
Phiên thảo luận chung dành cho đại biểu và khách mời cùng chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình giảng dạy đổi mới với sự tham dự của bà Bùi Thanh Hằng – Cục Phát triển thị trường và Phát triển doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Mika J. Kortelainen – Đại học Laurea, Phần Lan; TS. Hoàng Thịnh Nhân – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành; ông Nguyễn Đình Quý – CEO Workflow.
Các diễn giả đã thảo luận qua các nội dung về Chiến lược chuyển đổi mô hình đào tạo tại các trường đại học Việt Nam – Giải pháp nâng cao năng lực giảng dạy cho đội ngũ cán bộ, giảng viên – Thúc đẩy sự liên kết giữa doanh nghiệp, Nhà trường và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo. Sau đó, các diễn giả đã dành thời gian để trả lời các câu hỏi từ đại biểu và thảo luận các vấn đề mà các khách mời đưa ra.
Từ việc xây dựng chương trình học lấy sinh viên làm trung tâm đến những thách thức trong việc hợp tác giữa Nhà trường, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu, mọi vấn đề đều được phân tích kỹ lưỡng.
Khép lại chương trình, PGS.TS. Trần Thị Hồng đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các diễn giả, khách mời và đối tác đồng tổ chức. PGS.TS. Trần Thị Hồng bày tỏ hy vọng rằng những bài học và kinh nghiệm từ workshop lần này sẽ tiếp tục được lan tỏa, tạo động lực để NTTU và các trường đại học khác không ngừng đổi mới, đóng góp vào sự phát triển của hệ sinh thái giáo dục Việt Nam.
Workshop không chỉ là cơ hội để chia sẻ kiến thức mà còn đánh dấu bước tiến mới trong việc khẳng định sứ mệnh của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trên hành trình phát triển thành một trường đại học đổi mới sáng tạo hướng tới tiêu chuẩn quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng thế hệ tương lai.
Đại Hải – Media