Trang chủ / Góc sinh viên / Tổng kết hành trình 4 ngày “chạm nghề” của sinh viên Khoa truyền thông sáng tạo khám phá hệ sinh thái truyền thông tại Hà Nội

Tổng kết hành trình 4 ngày “chạm nghề” của sinh viên Khoa truyền thông sáng tạo khám phá hệ sinh thái truyền thông tại Hà Nội

ppblong / 1:13 am 12/06/2025

Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất sáng 3/6 khác mọi ngày bởi màu áo tốp khách là sinh viên Khoa Truyền thông sáng tạo, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Họ chuẩn bị sải cánh trên chuyến bay Vietnam airlines tới Thủ đô. Hành trình của Thầy Trò khám phá hệ sinh thái truyền thông tại Hà Nội với 4 cơ quan báo đài lớn nhất (VTV,VOV,Đài Hà Nội, Văn phòng Báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội) và 2 đơn vị truyền thông của hai doanh nghiệp lớn (BIDV, EVN). Để có chuyến đi này, Báo Tuổi Trẻ và Nhà trường cùng lo nâng bước các em.

Tại sảnh Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, các sinh viên Khoa Truyền thông sáng tạo háo hức trước giờ khởi hành đến Hà Nội

Đến hai Đài quốc gia
Trường quay S4 trước giờ sản xuất bản tin 10h được khởi động để chào đón sinh viên Khoa Truyền thông sáng tạo. Những màn hình nét căng, những cỗ cam (gồm cả robot) sẵn sàng bắt hình cho sinh viên thay nhau lên hình trải nghiệm. MC chủ công Hữu Bằng không chỉ nhiệt tình và tận tâm dẫn dắt các em mà còn giảng giải khá nhiều vấn đề chuyên môn mà bấy nay sinh viên hoàn toàn khuyết thiếu ở giảng đường. Cả một kíp hàng chục người điều khiển thiết bị trường quay vừa làm vừa cùng vui với nhóm sinh viên khi tiếng loa từ trường quay vang lên với những chất giọng rất “lạ” nhưng cũng được cho là có nghề (dù các em không kịp đọc trước bản tin, chỉ lướt cue).

Nhà báo Trần Ngọc Bích thay mặt Ban Thời sự, cùng nhiều Biên tập viên kỳ cựu của Ban- Ban linh hồn của một Đài quốc gia, đã cho Thầy Trò nhận diện được bức tranh toàn cảnh những hoạt động chính trong sản xuất tin tức thời sự hiện nay, những xu hướng làm thời sự, cơ cấu tổ chức nhân sự để sản xuất thời sự. Dẫu cực kỳ bận rộn cho bản tin sắp lên sóng, các anh chị vẫn dành cho đoàn nụ cười tươi mến khách.

Phòng Thể hiện sáng tạo của Ban này hôm nay cũng rộn ràng và hơi ồn ã khi sinh viên như “bập” được vào với nghề mình đang học: truyền thông đa phương tiện. Nhà báo Trung Nguyên trưởng Phòng đã phô diễn công nghệ bám theo quy trình sản xuất (headlines, teaser, graphics, DVE…) phục vụ lên sóng nội dung thông qua những thiết bị mà sinh viên không mấy khi được thấy và không dễ gì tiếp cận.

Đến với Ban Văn hoá giải trí, Thầy Trò được đón tiếp theo phong cách rất VTV3. Nhà báo Thu Thuỷ, Trưởng Ban này nhấn mạnh nhiều đến ý tưởng và sáng tạo trong khi giới thiệu về sản xuất ở lĩnh vực này. Sinh viên như vừa được khích lệ vừa được nhìn ra công việc tương lai của mình sau khi rời ghế Khoa Truyền thông sáng tạo. Thầy Trò cũng đã được hoà nhập với các Biên tập viên ở không gian họ đang sản xuất. Đặc biệt, cả đoàn lặng lẽ tiến vào trường quay S15 khi nó đang ON AIR chương trình Ai là triệu phú, với mấy lớp cam / cẩu, đạo diễn, nhân viên kỹ thuật và khán giả, người chơi. Giữa lung linh ánh sáng giàn đèn đặc trưng, “ngài” GS Cù Trọng Xoay ngồi “bệ vệ “ ghế người dẫn. Giờ thì sinh viên truyền thông đã hiểu thu hình một đại sản phẩm truyền thông là như thế nào.

Trưa, tầng 28 của Toà Tháp VTV lộng gió, đón Thầy Trò dùng bữa chiêu đãi tại phòng VIP2.

Từ nơi đỉnh cao của “khuôn hình tự sự” VTV, đến với Tiếng nói Việt Nam vang vọng và thuyết phục suốt 80 năm,Thầy Trò “đổ bộ” phòng thu khi đang chạy chương trình. Không chỉ được thấy, được nghe, mà nhờ vào việc giới thiệu rất nghề của Nhà báo Mạnh Thắng – Phó Ban Thời sự VOV, Thầy Trò hiểu được sức mạnh của thanh âm trong truyền thông chính trị là thế nào và đặc biệt thanh âm đó là Tiếng nói Việt Nam.

Chia sẻ tại không gian sản xuất của Ban, Nhà báo Vũ Duy, Trưởng Ban Thời sự VOV ,cùng nhiều Biên tập viên kỳ cựu đã cho đoàn nhiều thông tin quý giá về hoạt động, về những nhiệm vụ quan trọng cũng như những thành tựu nổi bật của Ban này. Thầy Trò nhận ra rằng trong bối cảnh thay đổi nhanh của công nghệ và thiết bị âm thanh, giờ đây việc sản xuất phát thanh phải đối mặt với những khó khăn gì, Ban đã vượt qua thế nào để tin tức thời sự chính trị của Ban- một trụ cột trọng yếu của Đài Tiếng nói Việt Nam, được đúng-trúng-nhanh.

Cả đoàn sững sờ và ngạc nhiên trước không gian số của Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam (vov.vn). Chưa hết sững sờ thì người trưởng đoàn trong phát biểu của mình lúc chia sẻ với Tổng Biên tập và các Phó Tổng Biên tập của Báo tại không gian này, đã hé lộ ý tưởng mong muốn được Báo đón nhận sinh viên của Khoa sớm tới đây “lăn lóc” một đôi tháng, nếu họ muốn thành nghề với chuyên môn số.

Sáng nay, các phòng biên tập của Báo cũng rộn rã lạ thường khi tất cả đều đứng dậy chào đón đoàn và giới thiệu, chia sẻ với đoàn.(Họ cũng không giấu nổi niềm vui bùi ngùi gặp lại người thầy cũ, người đồng hành với họ hơn 40 năm). Bữa trưa hôm nay của đoàn tại nhà hàng trên con phố, nơi có ngôi nhà Nhạc sỹ Văn Cao từng ở. Buổi chiêu đãi đoàn do TS.Trần Minh Hùng, nguyên Phó Tổng Giám đốc VOV, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, Nhà báo Vũ Duy, Trưởng Ban Thời sự VOV, Nhà báo Ngô Thiệu Phong, Tổng Biên tập Báo điện tử vov.vn và các vị khác tiếp.

Sinh viên NTTU khám phá hệ sinh thái truyền thông Hà Nội: Trải nghiệm thực tế quý giá tại VTV: XEM TẠI ĐÂY

Sinh viên NTTU khám phá “sức mạnh thanh âm” tại VOV – tiếp cận hệ sinh thái truyền thông hiện đại : XEM TẠI ĐÂY

Đến Đài Thủ đô
14/10/1954 Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội lên sóng. Thanh âm Hà Nội lan toả không chỉ là tin tức chính trị thời sự Thủ đô mà còn âm vang nét văn hoá thanh lịch rất riêng của đất ngàn năm văn vật.

Nhà báo Nguyễn Kim Khiêm, Tổng Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội dù đang chỉ đạo công việc hệ trọng cũng gắng dành ít phút chào mừng đoàn.

Cả đoàn bị thuyết phục bởi phần trình bày của Nhà báo Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm truyền thông số của Đài. Rất mới mẻ, rất nhiều thông tin choáng ngợp, rất nhiều mô hình đột phá cho Đài Thủ đô.Và vì thế cũng rất nhiều “bận bịu” cho Thầy Trò, bởi từ đây phải nghĩ nhiều xem cần phải dạy và học truyền thông thế nào mới mong thích ứng tốc độ thay đổi trong sản xuất của ngành, nhất là với những cơ quan truyền thông đột phá ngoạn mục như Đài Hà Nội.Và không gian trẻ trung, hiện đại của Trung tâm này, chiều nay, vui như Tết, tay bắt mặt mừng, nhưng rồi ai nấy…lặng người, suýt soa, khi một loại sản phẩm số của Trung tâm được phô diễn : Thanh âm Hà Nội.

Nhà báo Xuân Quý, Trưởng Ban điều phối nội dung, Nhà báo Minh Hoàn, Giám đốc Trung tâm tin tức cũng cho đoàn nhiều thông tin quý giá với những gợi ý thú vị cho đào tạo truyền thông hiện nay.

Trường quay S5 của Đài sáng đèn chào đòn đoàn trải nghiệm với những backdrop rất đặc trưng. Sinh viên nhận ra rằng sự kiện truyền thông hay truyền thông giải trí cần được diễn ra ở những không gian phải thế nào.

Mỗi sinh viên một hộp USB chứa những bài ca hay nhất về Hà Nội đã được phối khí trình diễn lại và được thu in mấy tháng ròng tại Nhật Bản, là món quà văn hoá kỷ niệm của Đài Thủ đô với các em.

NTTU đưa sinh viên “chạm nghề” tại Đài Hà Nội: Truyền cảm hứng – Gắn kết thực tiễn: XEM TẠI ĐÂY

“Về nhà”
View Hồ Tây 22 km chu vi lộng gió, nơi những “bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh” , Thầy Trò được đón tiếp tại Văn phòng Báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội, với cảm xúc ấm áp như được trở “về nhà”. Nhà báo Đà Trang, Phó Tổng thư ký Báo Tuổi Trẻ chia sẻ với đoàn không lâu nhưng rất nghề, rất bổ ích và rất thú vị với Thầy Trò. Công thức quý giá nhất dành cho người làm truyền thông mà anh truyền dạy thông qua nhiều tư liệu quý và thuyết phục tại buổi này , là : NGUỒN THÔNG TIN và THIẾT LẬP QUAN HỆ.

Tại Văn phòng Báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội, các em như được “về nhà”, cảm nhận rõ nét “ADN truyền thông Tuổi Trẻ”

Các Nhà báo Lê Kiên, Đức Bình, Nguyễn Khánh…và cả Văn phòng đã dành cho đoàn sự chào đón thân tình ấm áp bằng những câu chuyện từ đời nghề và vừa mới bữa rồi. Thầy Trò “về nhà” không chỉ được nhận ra “ADN Tuổi Trẻ” mà còn thêm một lần cảm ơn Tuổi Trẻ đã cùng Nhà trường lo cho hành trình quý giá này.

Truyền thông doanh nghiệp ở những doanh nghiệp lớn
Ngân hàng BIDV, chiều 5/6/2025 : Cả đoàn xúc động và ngỡ ngàng khi Ông Lại Tiến Quân, Phó Tổng Giám đốc BIDV phát biểu chào mừng đoàn. Rồi xúc cảm thêm dâng trào khi màn hình lớn trong khán phòng sang trọng hiển thị logo Trường ĐH học Nguyễn Tất Thành ở bên này, còn logo BIDV ở bên kia, và dưới là dòng tít chào đón đoàn Khoa Truyền thông sáng tạo.

Học quan hệ công chúng, học truyền thông doanh nghiệp cũng đã nhiều, đi nhập môn, thực tập thực tế cũng không ít, nhưng chiều nay, chỉ 2 giờ đồng hồ thôi, với bài trình bày của TS.Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Ban Truyền thông và Thương hiệu BIDV, Thầy Trò bị thuyết phục và cần hiểu đúng làm truyền thông doanh nghiệp là làm những gì, làm thế nào, xây dựng thương hiệu khó thế nào, nhất là đối với một doanh nghiệp lớn như ngân hàng BIDV. Quý giá không kém là những kinh nghiệm thực tế mà Ban này đã xử lý trong suốt nhiều năm, với tư cách là Ban Truyền thông và Thương hiệu nổi tiếng trong hệ thống ngân hàng nói riêng và doanh nghiệp cả nước nói chung.

Khoảng thời gian lắng lại Phòng Truyền thống của Ngân hàng BIDV cũng là những giây phút xúc động và khó quên đối với Thầy Trò. Và, sự hiện diện của Hàm Giám đốc Ban, các Phó Trưởng Ban, các nhân viên của Ban, sự chuẩn bị và thao tác chuyên nghiệp đến kinh ngạc trong tiếp đón, quảng bá
…tất cả đã cho đoàn Thầy Trò nhận ra rằng làm truyền thông phải thế nào.

Hà Nội đã lên đèn, bên kia là Nhà Hát Lớn, bên này nhà kiến trúc Pháp nhưng là nhà hàng đặc sản Hà Nội – bữa tối thịnh soạn, thân tình và…rất Hà Nội mà BIDV đã dành cho đoàn.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam, sáng 6/6/2025
Tại không gian trang trọng ở một phần khá lớn của tầng 1 Toà Tháp đôi EVN – Phòng Truyền thống Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nơi có màn hình cực lớn, hiển thị dòng chữ “Nhiệt liệt chào mừng Khoa Truyền thông sáng tạo,Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Tp. Hồ Chí Minh”.

Thăm Phòng Truyền thống này, Thầy Trò thêm một lần ngưỡng mộ, thán phục và biết ơn Những Người đã làm ra dòng điện, truyền tải dòng điện phục vụ đắc lực cho quốc kế dân sinh.

Trước đó, đoàn được làm việc với Trung tâm Thông tin Điện lực – một Trung tâm có thâm niên hoạt động 30 năm tròn với những thành tích nghề nghiệp đáng kính nể. Trung tâm chỉ vài chục người nhưng sản phẩm là gần chục nghìn tin bài 1 năm, là kênh hình cho nội bộ , là mấy trang web, là vô cùng nhiều các sản phẩm truyền thông đa phương tiện cho đa nền tảng… không chỉ phục vụ Tập đoàn Điện lực Việt Nam mà còn hữu ích cho cộng đồng, đặc biệt là những sản phẩm truyền thông về an toàn điện và tiết kiệm điện.

Màn đối thoại giữa Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Điện lực, Nhà báo Nghiêm Anh Tú và các cán bộ Trung tâm này với sinh viên, thật sự ấn tượng.Thêm nữa nó cho sinh viên thêm một lần hiểu rằng làm truyền thông, ngoài nghề nghiệp truyền thông còn cần dấn thân vào lĩnh vực chuyên môn mà mình làm truyền thông.

Và cũng như với truyền thông ở BIDV, việc chuẩn bị đến từng chi tiết (người hướng dẫn chỗ đậu xe cho đoàn, đến người sắp đặt chỗ ngồi dùng bữa trưa, những người được chỉ định ngồi giới thiệu, đối thoai với sinh viên, tổng hợp thông tin cho slide giới thiệu…) một lần nữa cho sinh viên biết rằng làm truyền thông phải thực thi sự kiện, phải khéo léo quảng bá, phải tinh tế thu phục lòng khách…như thế nào.

“Ngày vui ngắn chẳng tày gang”. Bữa trưa tại Toà Tháp đôi này không chỉ là buổi đoàn chia tay Trung tâm và Tập đoàn EVN, mà cũng là lúc chia tay với Thủ đô sau hành trình 4 ngày khám phá hệ sinh thái truyền thông tại Hà Nội.

Sinh viên NTTU học truyền thông doanh nghiệp tại hai ‘ông lớn’ Ngân hàng BIDV và Điện lực Việt Nam: XEM TẠI ĐÂY

Hỏi như nhà báo; Hỏi khó hơn nhà báo
Đó là những câu nói nửa đùa nửa thật của các anh chị cô chú nhà báo ở 6 nơi đoàn đặt chân, dành cho 10 sinh viên của đoàn. Một nửa sự thật đó cũng đã đủ nói lên rằng : sinh viên truyền thông của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã có ý thức chuẩn bị chu đáo những gì cần hỏi, đã nhạy bén trước những nội dung và biểu hiện của hình thức để hỏi, đã không bị động lệ thuộc vào gợi ý vấn đề (mà người trưởng đoàn chuẩn bị cho đoàn), đã tập trung đuổi theo mạch của hành trình khám phá , biết được đang được nghe xem gì và cần hỏi gì…

Các em Phước Vinh, Quỳnh Hương, Ngọc Anh, Lê Bảo, Trường Vũ, rồi Ndu K’ Hạnh (người con của dân tộc M’Nông) đều có những câu hỏi hay, thậm chí khá “rắn”. Hỏi không phải để phản biện mà hỏi để hiểu thêm, tường minh thêm và để khám phá đúng như mục đích của chuyến đi. Các em tự tin để hỏi, thu hút người được hỏi bằng cách giới thiệu về mình , quê mình vừa lạ vừa vui. Trẻ trung , sôi động nhưng nghiêm túc và kỷ luật, cả đoàn nhờ thế có được hành trình dày đặc và hối hả nhưng cũng rất hiệu quả.

Buổi sáng cuối chắc chắn sẽ khó quên khi sinh viên thăm Quảng trường Ba Đình lịch sử và Trường ĐH đầu tiên của Việt Nam -Văn Miếu Quốc Tử Giám. Dưới Khuê Văn Các, hay bên mái nhà bia tiến sĩ, dưới bóng đa trăm tuổi hay bên dãy tường rêu phong…màu áo sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thấp thoáng vừa tự tin, vừa đáng yêu và cũng vừa tràn đầy hi vọng. Những bức hình chung hay riêng tại đây cùng những bức thư pháp đặc trưng Văn Miếu sẽ mãi là những kỷ niệm quý giá đối với các em lần đầu đến Thủ đô.

Và lần đầu đến với phố cổ, Hồ Gươm, Hồ Tây, Cầu Long Biên…các sinh viên này dù kín hành trình vẫn lanh lẹ, khôn ngoan rủ nhau thưởng thức kem Tràng Tiền, bún chả Hà Nội… cũng như những gì mà mình thích.

Hành trình kết thúc, các em về với Nam Bộ yêu dấu, khuôn viên khu nhà khách Chính phủ 37 Hùng Vương, nơi các em lưu trú, đã vắng bóng màu áo của những vị khách “ khác thường”, nhưng niềm vui đủ đầy của một nơi lưu trú thì vẫn như những ngày các em ăn nghỉ ở nơi đây.

Khoảnh khắc bên Lăng Bác, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hồ Gươm…kết thúc hành trình đầy cảm hứng, mở ra hành trình mới cho những người trẻ yêu nghề

Hồi hộp chờ tin nhắn sinh viên
Chuyến đi của 10 sinh viên và hai giảng viên có trách nhiệm tổ chức dẫn dắt đoàn , mà Phó Khoa Đặng Như Thảo chịu gánh nặng trên vai, còn có sự hỗ trợ nhiệt thành, chu đáo và tận tình, đầy trách nhiệm của 7 giảng viên Khoa Truyền thông sáng tạo. Họ tự túc tài chính để đồng hành với các em, để chớp cơ hội tiếp cận với những cơ quan truyền thông lớn nhất, những ban truyền thông doanh nghiệp giàu uy lực.

Chuyến bay khuya của VNA đáp T3 Tân Sơn Nhất, cũng là lúc Thầy Trò bịn rịn chia tay. Những dòng tin nhắn ùa về đầy cảm xúc biết ơn Tuổi Trẻ, Nhà trường và Thầy Cô. “Dạ, em vừa về tới nhà…. Chuyến đi này đã mang lại cho em thêm nhiều kinh nghiệm làm nghề và những ký ức tuyệt vời,..” (Trường Vũ); “…em về đến nhà rồi ạ. Cám ơn các thầy cô đã tín nhiệm, yêu thương, đùm bọc tụi em trong suốt chuyến đi…” ( Lê Bảo); “Dạ em vừa về đến nhà an toàn…Trong chuyến đi này , để nói về cảm xúc thì có vô vàn. Trong số ấy là lòng biết ơn và một tinh thần sẵn sàng ứng dụng cho công việc hiện tại và tương lai qua 4 ngày tham quan học tâp” (Hoài Trọng) ; “Chuyến đi tham quan học tập ….thật sự rất ý nghĩa, mang lại nhiều kiến thức và trải nghiệm đáng nhớ cho em”( Phạm Trâm) ; “Cảm ơn thầy cô cho chúng em cơ hội Vàng …Chúng em sẽ cố gắng lấy những bài học từ chuyến trải nghiệm này để áp dụng vào học tập công việc cũng như chia sẻ lại cho các bạn xung quanh”(Phước Vinh); “….Thầy cô đã cho chúng em cơ hội quý báu….em đã học hỏi rất nhiều kinh nghiệm cũng như mở rộng kiến thức về cách làm nghề” (Ngọc Thắm); “Chuyến hành trình rất có ý nghĩa đối với em, là cơ hội để em được học hỏi kiến thức quý giá, nhìn nhận những thiếu sót của bản thân em và qua đó em cần nỗ lực rèn luyện hơn nữa “ ( Ndu K’ Hạnh); “….Em sẽ cố gắng chọn lọc và vận dụng … Sự tâm huyết của thầy cô là nguồn động lực lớn cho em…” (Ngọc Anh) ; “Chuyến đi không chỉ giúp em hiểu rõ hơn về môi trường làm việc chuyên nghiệp , trách nhiệm và vai trò của người làm truyền thông mà còn mang lại nhiều cảm hứng cho con đường học tập rèn luyện của em…” (Quỳnh Hương); “Chuyến đi siêu bổ ích, giúp em hiểu hơn về ngành mình đang học và thấy rõ hơn tương lai sẽ làm gì “ (Trọng Phú)…

34 phút sang ngày mới, khi tiếng cuối cùng của tin nhắn sinh viên ting ting, người trường đoàn an lòng chìm vào giấc ngủ sau rất nhiều ngày mừng ít lo nhiều….

Hà Nội 7/6/2025

PGS.TS.GVCC Vũ Quang Hào

 

Tags:
1900 2039