Trang chủ / Góc sinh viên / Triển khai mô hình ứng dụng hoạt động giáo dục sáng tạo – STEM trong học đường của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Triển khai mô hình ứng dụng hoạt động giáo dục sáng tạo – STEM trong học đường của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

ppblong / 7:42 am 05/11/2021

STEM là thuật ngữ viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kĩ thuật) và Mathematics (Toán học), thường được sử dụng khi bàn đến các chính sách phát triển về Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học của mỗi quốc gia. 

Khoa học giáo dục sáng tạo, STEM là một trong những lĩnh vực được trường Đại học Nguyễn Tất Thành đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Năm 2021, ngoài việc quyết định triển khai đề tài nghiên cứu trọng điểm cấp trường, đó là “Quản lý hoạt động bồi dưỡng giáo dục STEM cho giáo viên vùng Đồng bằng Sông Cửu long của trường Đại học Nguyễn Tất Thành” do TS. Nguyễn Lan Phương, P. Hiệu trưởng, Viện phó Viện Khoa học xã hội liên ngành là chủ nhiệm đề tài thì ngay từ tháng 3/2021, Hội đồng trường và ban giám hiệu Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã chỉ đạo phòng Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học xã hội liên ngành tiến hành nghiên cứu, triển khai các mô hình ứng dụng hoạt động giáo dục sáng tạo – STEM thông qua hình thức các phòng thí nghiệm (STEM LAB) tại hai cơ sở: Cơ sở An Phú Đông – Q12 và Nhà N1 – Q. 9. Hoạt động này được thực hiện với mục đích đẩy mạnh liên kết chặt chẽ với các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và chuyên gia nhằm kịp thời tăng cường các giải pháp hỗ trợ hiệu quả trong việc thúc đẩy chương trình giáo dục STEM tại các trường, đặc biệt tập trung vào bậc THPT gắn với nội dung hướng nghiệp, dạy nghề thông qua các hoạt động cụ thể:

  • Nghiên cứu và xây dựng chương trình giảng dạy STEM khoa học cho từng khối lớp học của bậc THPT.
  • Đầu tư cơ sở vật chất đúng và đủ cho hoạt động nghiên cứu, triển khai mô hình ứng dụng.
  • Phối hợp với ngành giáo dục các địa phương tổ chức đào tạo nâng cao năng lực giảng dạy STEM cho giáo viên THPT tại các trường, đảm bảo toàn bộ các giáo viên được tập huấn đạt yêu cầu từ cách tiếp cận phương pháp cho tới cách sử dụng – chế tạo.
  • Tập trung ứng dụng công nghệ nhưng không quên quan tâm đến những vật liệu dễ dàng, thân thiện và gần gũi xung quanh, đặc biệt là các yếu tố mang tính đặc trưng địa phương của từng nơi, tạo nên nét mới, sáng tạo nhưng lại gần gũi, dễ tiếp nhận đối với cả giáo viên và học sinh.
  • Phối hợp với Đoàn Thanh niên, Trung tâm hỗ trợ học sinh – sinh viên tại Tp.HCM và các tỉnh triển khai các buổi hội thảo phát triển với phụ huynh và học sinh để củng cố thêm kiến thức và kết hợp hoạt động giảng dạy ở trường cũng như ở nhà, đặc biệt định hướng nghề nghiệp tương lai cho các em phù hợp với điều kiện, năng lực cá nhân và đáp ứng nhu cầu của xã hội trong giai đoạn mới, thông qua đó, thúc đẩy công tác tuyển sinh của nhà trường.

Đây sẽ là nơi đào tạo và hướng dẫn cho các giáo viên THPT, học sinh THPT… 

Được biết, đến thời điểm hiện tại, phòng thí nghiệm STEM LAB trường ĐH Nguyễn Tất Thành tại cơ sở An Phú Đông – Q.12 đã được hoàn thành và chuẩn bị đưa vào hoạt động. Với diện tích hơn 80m2, được kết nối với khu vực thư viện nhằm hỗ trợ giáo viên cũng như học sinh THPT trong quá trình tra cứu tài liệu và làm việc nhóm, đây sẽ là nơi đào tạo và hướng dẫn cho các giáo viên THPT, học sinh THPT (cả trực tiếp lẫn trực tuyến), trưng bày các thiết bị học tập thông minh, khu vực trải nghiệm cho các hoạt động: Em yêu khoa học; Máy tính – Robot và Máy in 3D hấp dẫn, sinh động.

… cũng là nơi trưng bày các thiết bị học tập thông minh, khu vực trải nghiệm cho các hoạt động: Em yêu khoa học; Máy tính – Robot và Máy in 3D hấp dẫn, sinh động.

PGS.TS Trần Thị Hồng – P. Hiệu trưởng, Viện trưởng Viện KHXH liên ngành ĐH Nguyễn Tất Thành, chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn mang đến chương trình giáo dục sáng tạo – STEM với nghĩa rộng nhất là một định hướng dạy học mang tính ứng dụng thực hành gắn liền với thực tiễn cuộc sống chứ không chỉ là giới hạn việc dạy các em tiến hành những thí nghiệm vật lý, hóa học hay lắp ráp, lập trình cho một con robot cụ thể. Nó cũng giống việc làm một thí nghiệm thì dễ nhưng để giúp các em học sinh hiểu bản chất của thí nghiệm và liên kết được với các ứng dụng của cuộc sống thì cũng không hề đơn giản. Trong đó, chúng tôi đánh giá vai trò của giáo viên giảng dạy là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, đội ngũ này phải được đào tạo và cung cấp phương pháp giảng dạy thật sự khoa học, lôi cuốn, hấp dẫn và khơi gợi được niềm hứng thú đối với các em học sinh”.

Không gian của phòng thí nghiệm đầy tính sáng tạo và thẩm mĩ 

Để làm rõ thêm định hướng nghiên cứu và triển khai mô hình ứng dụng giáo dục sáng tạo – STEM của trường ĐH Nguyễn Tất Thành, TS. Nguyễn Lan Phương, P. Hiệu trưởng, Viện phó Viện Khoa học xã hội liên ngành cho biết: Chúng tôi nghĩ đến việc thành lập các Trung tâm đào tạo STEM như một số nước. Chẳng hạn, ở Anh, National STEM Center tổ chức đào tạo, xây dựng chương trình, kêu gọi tài trợ, tạo ra một hệ sinh thái STEM thật sự (trong đó có sự tham gia của chính phủ, các công ty công nghệ, trường đại học…). Hy vọng trường Đại học Nguyễn Tất Thành trong thời gian tới, bằng sự đầu tư nghiêm túc và với đội ngũ những nhà nghiên cứu, chuyên gia uy tín, kinh nghiệm trong lĩnh vực này, đặc biệt chúng tôi cũng phối hợp với các tổ chức như STEAM FOR VIET NAM, doanh nghiệp công nghệ như ông ty TNHH Công Nghệ Trí Tuệ Nhân Tạo – AiTT, cùng với sự vào cuộc đầy trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, chúng ta sẽ tạo được nhiều chuyển biến khởi sắc cho hoạt động giáo dục sáng tạo – STEM tại các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Viện Khoa học xã hội liên ngành

 

Tags:
1900 2039