Nhằm trau dồi kiến thức thực tiễn, kỹ năng giao tiếp với bệnh nhân và thái độ chuyên nghiệp tận tâm của một cán bộ y tế, việc đi thực tập tại các cơ sở khám chữa bệnh cho sinh viên là điều không thể bỏ qua, vừa qua, bộ môn Dược lâm sàng của khoa Dược đã triển khai hoạt động thực tập tại các bệnh viện cho 152 các sinh viên năm cuối
Hoạt động này nhằm khẳng định cho triết lý đào tạo “Thực học – Thực hành – Thực danh – Thực nghiệp” của Nhà trường. Đối với sinh viên khoa Dược, dược lâm sàng là một lĩnh vực quan trọng của ngành dược, liên quan đến việc sử dụng thuốc hợp lý cho bệnh nhân nên ngoài thực hành trong các phòng thí nghiệm, sử dụng máy móc, dụng cụ, pha chế hóa chất, dược liệu, các bạn sinh viên còn được tạo điều kiện để đi thực tập tại các cơ sở doanh nghiệp, xí nghiệp, nhà thuốc, bệnh viện. Để tạo điều kiện cho sinh viên có cơ sở thực tập thực tế, Nhà trường đã ký kết hợp tác với các bệnh viện trên địa bàn thành phố như: Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện quận Tân Phú, Bệnh viện Quân y 7A…
Sinh viên thực tập tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định
Chương trình thực tập tại bệnh viện dành cho sinh viên năm cuối chuyên ngành Dược lâm sàng khi sinh viên đã được trang bị kiến thức và kỹ năng qua các môn học Dược lâm sàng 1 và 2, Dược lâm sàng thực hành, Sử dụng thuốc trong điều trị, Thông tin thuốc và cảnh giác dược…Tại đây, các bạn sinh viên được tham gia cùng với các Dược sĩ dược lâm sàng trong các hoạt động như: duyệt đơn thuốc ngoại trú, tư vấn giáo dục sức khỏe cho người bệnh, tương tác và trả lời phản hồi với bác sĩ, tham gia hoạt động dược lâm sàng nội trú như: đi buồng, giám sát phản ứng có hại của thuốc, giám sát hồ sơ bệnh án, hội chẩn…theo Nghị định 131/2020/NĐ-CP tổ chức hoạt động dược lâm sàng của cơ sở khám chữa bệnh.
Sinh viên được quan sát hoạt động tư vấn về Tăng huyết áp và Đái tháo đường cho bệnh nhân
Tiến sĩ. Dược sĩ Phạm Hồng Thắm, Trưởng bộ phận đào tạo – Phó khoa Dược Bệnh viện Nhân dân Gia Định nhận xét về tình hình thực tập: “Cơ bản sinh viên được dạy ở trường các nội dung, có kiến thức hỗ trợ cho thực tế, đa số sinh viên có thái độ tích cực học tập, tự tìm hiểu thông tin khi được yêu cầu. Tuy nhiên kiến thức ở trường khá lý thuyết, các bạn vận dụng lý thuyết vào thực hành còn rời rạc. Kết thúc đợt thực tập, sinh viên hiểu rõ hơn về vai trò của Dược sĩ lâm sàng, cải thiện kỹ năng giao tiếp với nhân viên y tế và bệnh nhân, tự tin thuyết trình, thuyết phục và hơn cả là có trách nhiệm đối với ngành nghề của mình.”
Sinh viên nhận được sự hướng dẫn và hỗ trợ nhiệt tình của đội ngũ Dược sĩ và nhân viên y tế tại bệnh viện
Bạn Phạm Thanh Hồng Lễ, sinh viên trong đợt thực tập vừa rồi, cho biết: “Theo sự phân công em được thực tập ở bệnh viện quận 8. Được thực tập ở một bệnh viện lớn nên em khá hồi hộp và lo lắng nhưng cũng có phần yên tâm vì trước khi đi thực tập bọn em đã được được nắm rõ những kiến thức Dược lý, Dược lâm sàng ví dụ như chỉ định, chống chỉ định hoặc tác dụng phụ của thuốc, biết phân chia từng loại thuốc vào từng nhóm bệnh khác nhau, nắm những kiến thức sơ bộ về cách bảo quản thuốc, cách sắp thuốc tại kho thuốc… Đặc biệt, qua các môn học và các lớp kỹ năng, chúng em cũng được trang bị thêm kỹ năng giao tiếp, thái độ lịch sự, có trách nhiệm trong công việc, tuân thủ những nội quy của bệnh viện, cần chủ động hỏi những điều mà mình chưa rõ khi đi thực tập. Do đó, tụi em không bị lệch nhiều giữa kiến thức được nhà trường trang bị với kiến thức thực tế, điều tụi em cần cải thiện thêm đó là cách xử lý tình huống, cách giải quyết và đưa ra hướng giải quyết, điều ngày em nghĩ tụi em cần phải cố gắng quan sát và học hỏi nhiều hơn”.
Với mong muốn đem đến môi trường học tập toàn diện cho sinh viên, đội ngũ giảng viên bộ môn Dược lâm sàng không ngừng nỗ lực tìm kiếm, kết nối đào tạo với các bệnh viện trong địa bàn thành phố và đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
ThS. Trần Thị Phương Uyên