Trang chủ / Góc sinh viên / Chuyện về ngày sinh của Bác

Chuyện về ngày sinh của Bác

ppblong / 1:05 am 19/05/2022
Nhớ lại những ngày trứng nước của cách mạng. Sự kiện mùa xuân năm 1941 Bác Hồ lần đầu đặt chân về Pắc Bó. Bác đã về đây, Tổ quốc ơi/ Nhớ thương hòn đất ấm hơi Người/ Ba mươi năm ấy chân không mỏi/ Mà đến bây giờ mới tới nơi (Tố Hữu).

Đến tận thời điểm năm 2022 này, kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người tâm phúc gần gũi bên cạnh Bác trong những thời khắc gian nan sau thời điểm năm 1941 ấy, không một ai biết chút gì về ngày sinh của Bác. Cho đến thời điểm 2/9/1945, cũng chưa có ai biết ngày sinh của vị Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.

Rộng hơn, xa hơn… Những đồng chí, bạn hữu cùng hoạt động làm việc với Ông Cụ từ những năm đầu thế kỷ XX bên Pháp và nhiều nước khác sau này, Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan… cũng chưa có ai hay tài liệu nào đề cập đến ngày sinh của Nguyễn Ái Quốc, của ông Lin, Thầu Chín, Hồ Chí Minh… cả!

Mãi tận đến buổi sáng sớm ngày 18/5/1946, duy nhất có một người biết. Người đó là Vũ Đình Huỳnh. Chắc bạn đọc đã quá quen với nhân vật lịch sử này.

Vũ Đình Huỳnh sinh năm 1905 trong một gia đình Công giáo nhiều đời tại huyện Trực Ninh tỉnh Nam Định. Ông tham gia tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (1925), tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Huỳnh lập nghiệp tại Hà Nội trở thành một nhân sĩ có tiếng, quảng giao với nhiều chí sĩ, thân hào, các chức sắc tôn giáo, công chức có tinh thần yêu nước.

Trước năm 1945, ông Huỳnh có bí danh “Triệu Vân”, là chữ kí xuất hiện trên các tờ tín phiếu Việt Minh do các tầng lớp nhân sĩ, thương nhân đóng góp tiền bạc cho Việt Minh hoạt động.

Trong thời gian hoạt động Cách mạng tại Hà Nội, gia đình ông Vũ Đình Huỳnh và vợ là bà Phạm Thị Tề còn là cơ sở nuôi giấu, tá túc bí mật cho nhiều lãnh đạo Cộng sản. Những ông Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Hoàng Quốc Việt, Bùi Lâm, Nguyễn Khang… từng được gia đình ông bà Vũ Đình Huỳnh bí mật nuôi giấu chu cấp tài chính, đưa đường hoạt động.

Ông Huỳnh là một trong những người lo toan hậu cần cho “Đại hội quốc dân” của Việt Minh diễn ra vào ngày 16/8/1945 tại Tân Trào. Chính tại Đại hội này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ông Huỳnh làm người tâm phúc, bí thư riêng trong các việc đại sự, đặc biệt là quan hệ với các nhân sĩ, trí thức, phú hào, các tầng lớp còn đang băn khoăn, đắn đo chuyển sang ủng hộ Việt Minh.

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Tân Trào trở về Hà Nội, cũng chính ông Huỳnh là người đích thân đón Bác từ Bắc Giang về Hà Nội. Ông Huỳnh là người chịu trách nhiệm lo toan chỗ trú ẩn, an ninh và ăn uống trong những ngày đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội.

Thời kỳ toàn quốc kháng chiến, ông vẫn làm Thư ký riêng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch trong An toàn Khu tại Thác Dẫng, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang… Sau 1954, ông đảm nhận chức vụ Vụ trưởng vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao, rồi sau đó làm Vụ trưởng Ban thanh tra Chính phủ.

… Trong tay tôi là tập Báo Văn Nghệ, tiếng nói của Hội Nhà văn Việt Nam. Cũng mới in năm 1993 nhưng đã ngả xuộm vàng. Trong liền mười mấy số khởi đăng từ tháng 10/1993, Văn Nghệ đã trích đăng hồi ký của ông Vũ Đình Huỳnh lấy cái tên chung Tháng Tám cờ bay.

Xin trích vài đoạn trong một kỳ báo.

… Sáng 18/5/1946, Bác bước vào phòng tôi, bảo nhỏ ( nguyên văn là từ bảo mật):

– Này, thông báo cho các vị trong Chính phủ biết ngày mai sinh nhật tôi. Đừng quên gọi các cháu thiếu nhi đến chơi với tôi nhé!

Tôi nhìn Bác. Thoáng sững sờ, ngạc nhiên. Vị Chủ tịch nước tài năng, nổi tiếng rất mực khiêm tốn, thế mà đùng cái, lại chỉ thị cho tôi tổ chức sinh nhật cho chính mình?

 

Tôi toan hỏi Bác, nhưng Bác đã quay ra. Dừng lại ở cửa, lại dặn thêm:

– Báo cho các anh ở Trung ương và các đoàn thể biết luôn mai kỷ niệm sinh nhật tôi.

Tôi gọi dây nói đến các nơi cần thiết. Nội dung thiết yếu bàn về việc tổ chức sinh nhật Bác. Những địa chỉ cần thiết mà không có dây nói. Tôi trực tiếp hoặc phải cử người đi đến tận nơi.

(Trong hồi ký của mình ông Vũ Đình Huỳnh cũng biên ra chuyện nhiều người đã điện thoại hoặc trực tiếp gặp, thắc mắc chất vấn rằng một việc hệ trọng là thế tại sao nước đến chân mới nhảy? Như ông Trường Chinh cho rằng ông Huỳnh đã được biết sinh nhật Bác, thế mà không nói trước?)

Cũng có nhiều băn khoăn thắc mắc nhưng ngay từ chiều 18/5/1946, những phần việc mấu chốt căn bản cho một Lễ kỷ niệm sinh nhật Bác, đã được hoàn tất!

… Hôm đó, cả Hà Nội sáng lên cờ màu, biểu ngữ nói lên ý chí độc lập và chúc mừng Bác.

Nhìn ra bên ngoài đường, tôi thấy anh em thợ điện tíu tít bắc thang lắp đèn, kết hoa. Lễ mừng sinh nhật Bác được tổ chức vào tối hôm đó, tại phủ Bắc Bộ. Không khí ngày hội chảy tràn trên phố, tới tận cùng ngõ hẻm. Từng đoàn người biểu tình tuần hành trên các đường trung tâm hô vang khẩu hiệu chúc thọ Bác và các khẩu hiệu cách mạng khác nhau. Các cháu thiếu nhi ăn mặc quần áo đẹp, gõ trống ca hát quanh phủ Bắc Bộ.

 

Cũng ngày hôm đó, vào buổi tối, tôi có nhiệm vụ phải tổ chức đón tiếp Cao ủy Đác-giăng-li-ơ (D’Argenlieu) và ông Xanh-tơ-ni (Jean Sainteny, Ủy viên Cộng hòa Pháp). Đác-giăng-li-ơ từ Hải Phòng lên, Xanh-tơ-ni ở Hà Nội. Theo lịch trình đã định, hai người sẽ đến chào xã giao Hồ Chủ tịch.

Thì ra Bác đã tính toán trước tất cả.

Nếu họ đến mà không có sự đón tiếp nồng nhiệt thì không ra sao, sẽ có hại cho mối quan hệ vốn dĩ đã căng thẳng.

Nhưng nếu phải đón tiếp họ thì mình lại lép vế quá!

… Đác-giăng-li-ơ và Xanh-tơ-ni tới Bắc Bộ phủ với gương mặt rạng rỡ khi trực tiếp chứng kiến cảnh trí tưng bừng của Thủ đô Hà Nội. Chắc chắn trong thâm tâm hai vị ấy đều chắc mẩm rằng, không khí hội hè ở Hà Nội mà họ chứng kiến đều là giành cho họ!

Ông Vũ Đình Huỳnh là một trong những người tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt những ngày sang Pháp tham dự Hội nghị Fontainebleau. Ông là người đầu tiên được phong quân hàm sĩ quan và Đại tá đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ở phủ Bắc Bộ, họ gặp nhiều quan chức cao cấp của Chính phủ Việt Nam hơn là trong một cuộc đón tiếp bình thường. Có tất cả các cháu thiếu nhi, cờ và hoa. Cuộc thăm viếng vô hình trung thành cuộc chúc mừng nhân ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Điều mà tôi tin là đối với Bác, ngày sinh của mình cũng phải là ngày phục vụ của cách mạng… ”.

(Vũ Đình Huỳnh: Tháng Tám cờ bay. Hồi ký, Báo Văn nghệ, tháng 10-1993).

Theo Báo Tiền Phong

Tags:
1900 2039