Trang chủ / Góc sinh viên / [GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG – MÙNG 10 THÁNG 03 ÂM LỊCH NĂM NHÂM DẦN (10/04/2022)]

[GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG – MÙNG 10 THÁNG 03 ÂM LỊCH NĂM NHÂM DẦN (10/04/2022)]

ppblong / 12:30 am 10/04/2022

Một nghiên cứu năm 2014 cho biết các sinh viên thuộc Thế hệ Z tự nhận thấy mình là người trung thành, nhân ái, chu đáo, cởi mở, có trách nhiệm và quyết đoán (Generation Z Goes to College – Tác giả: Corey Seemiller, Meghan Grace). Vậy thì các bạn ơi, với những đức tính tốt đẹp ấy, chúng ta cần phải có nhận thức đúng đắn và rõ ràng về ngày Giỗ Tổ hàng năm của đất nước mình. Hãy cùng Ad “quay ngược thời gian” một lúc để nhớ về nguồn cội, tri ân tổ tiên với lòng thành kính.

GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG BẮT ĐẦU TỪ NĂM NÀO?

“Con người có Tổ có tông

Như cây có cội, như sông có nguồn.”

Trong tâm thức của nhân dân ta từ bao đời nay, Vua Hùng là vị vua Thủy tổ dựng nước, là Tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Ghi nhớ và tôn vinh công lao dựng nước của Tổ tiên là một hành vi văn hóa, ý thức đạo đức và bổn phận mỗi người. Quan niệm đó dần trở thành ý thức hệ được hun đúc trong từng người và trong cả cộng đồng. Vua Hùng đã hiển nhiên tồn tại và ngự trị trên bình diện ý thức tâm linh của người Việt.

Theo những tài liệu còn lưu lại, hình thức sơ khai của Ngày Giỗ Tổ đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử, cách đây hơn 2000 năm. Dưới thời Thục Phán – An Dương Vương, cột đá thề đã được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh (vùng đất cổ Phong Châu, Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ngày nay), ghi rõ:

“Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu nhạt hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập”.

Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, nhiều vị vua có tên tuổi của các triều đại phong kiến Việt Nam ngay từ khi lên ngôi đã từng bước xác lập “ngọc phả” về thời đại Hùng Vương, khẳng định vai trò to lớn của các Vua Hùng đối với non sông đất nước.

Đến đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ). Điều này được xác nhận trên tấm bia Hùng Vương từ khảo do tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (năm 1940) được đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng.

Ngày 18/02/1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hoà, Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/ LCT đưa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10/3 Âm lịch hàng năm là ngày lễ chính thức của dân tộc và cho phép viên chức Nhà nước được nghỉ lễ, hưởng nguyên lương. Từ năm 2001 ngày giỗ tổ Hùng Vương trở thành ngày quốc lễ và từ năm 2007 ngày mồng 10 tháng 3 hàng năm là ngày nghỉ lễ.

THỜI ĐẠI HÙNG VƯƠNG LÀ THỜI ĐẠI LỊCH SỬ CÓ THẬT

Sách “Việt sử lược”, biên soạn vào cuối thế kỷ XIV (1372) viết: “Đến đời Trang vương nhà Chu (696-682 Tr.CN), ở bộ lạc Gia Ninh (nay thuộc đất tỉnh Phú Thọ), có người lạ, dùng ảo thuật áp đặt được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, tên hiệu nước là Văn Lang, phong tục thuần hậu, chất phác, chính sự dung lối kết nút. Truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương”. Các bộ sử của nước ta thời Trung đại, như sách “Đại Việt sử ký toàn thư” (bản in năm 1697) và sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” (biên soạn từ năm 1856 – 1881 và in năm 1884), đều bỏ qua thông tin trên (bởi vì sách “Việt sử lược” bị quân xâm lược nhà Minh cướp đưa sang Trung Quốc đầu thế kỷ XV, sau đó đưa vào “Tứ khố toàn thư”, rồi được đưa về Việt Nam khoảng những năm 20 của thế kỷ XX) và buộc phải dựa vào truyền thuyết và đẩy niên đại của Hùng Vương kéo dài đến 2622 năm, kể từ năm 2879 đến năm 258 Tr.CN.  Trước đó, các thư tịch của Trung Quốc, thừa nhận sự tồn tại của một cộng đồng dân cư phát triển và tổ chức nhà nước của họ trong vùng lưu vực sông Hồng. Chẳng hạn phần “Địa lý chí” trong sách “Cựu Đường thư” của Lưu Hú viết những năm 924-956, mục “An Nam đô hộ phủ”, viết về huyện Bình Đạo: “Huyện Bình Đạo đến đời Hán là huyện Phong Khê, sau nhà Nam Tề đặt huyện Xương Quốc. “Nam Việt chí” nói đất Giao Chỉ rất màu mỡ, ngày xưa có Quân trưởng gọi là Hùng Vương, giúp việc là Hùng Hầu. Về sau Thục Vương đem ba vạn quân đánh tiêu diệt Hùng Vương” (sách “Nam Việt chí” của Thẩm Hoài Viễn viết vào những năm 453-456 được dẫn ở trên).

Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã góp phần to lớn vào quá trình truy tìm quá khứ lịch sử; ngành Khảo cổ học với kỹ thuật phân tích C14 đã và đang vén sự thật về giai đoạn này ra ánh sáng. Kết quả nghiên cứu cho thấy trống đồng, văn hóa Đông Sơn tương ứng với thời đại Hùng Vương. Trống đồng chính là mô hình thế giới vũ trụ của người Việt dưới thời Hùng Vương gồm 3 tầng, 4 thế giới, chứng tỏ Thời đại Hùng Vương là có thật trong lịch sử.

TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG VUA HÙNG

Năm 2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Khu Di tích lịch sử Đền Hùng được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đặc biệt, là nơi thờ tự các Vua Hùng đã có công dựng nước – Tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Khu Di tích lịch sử Đền Hùng thuộc thôn Cổ tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, cách trung tâm thành phố Việt Trì 7km về phía Bắc, cách thủ đô Hà Nội 90km. Có thể nói, đây là một khu di tích trang nghiêm bậc nhất của nước ta kính thờ tổ tiên, những người khai sáng đầu tiên của dân tộc Việt.

Ngoài khu thờ chính này, trên cả nước, còn có nhiều nơi có đền thờ các vua Hùng. Về phương Nam, vùng đất mới mà con cháu Lạc Việt mở mang, chúng ta còn lập những ngôi đền thờ Tổ Nước không kém bề thế. Đó là đền thờ vua Hùng tại Thảo cầm viên (ở quận 1, TPHCM) được xây từ năm 1926; khu tưởng niệm các vua Hùng ở quận 9 khánh thành năm 2019. Đặc biệt, tận chót cùng của đất nước, tại ấp Giao Khẩu xã Tân Mai huyện Thới Bình tỉnh Cà Mau, người dân đã dựng đền thờ các vua Hùng từ năm 1870 đến nay vẫn thường xuyên hương khói.

Và gần đây nhất, vào ngày 06/04/2022 (nhằm ngày 6-3 âm lịch năm Nhâm Dần), Thành ủy, HĐND, UBND TP Cần Thơ đã tổ chức trọng thể Lễ khánh thành Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ.

Lòng biết ơn, thờ cúng Tổ tiên là nền tảng đạo đức và tín ngưỡng tâm linh cơ bản của người Việt Nam. Lịch sử đã chứng minh, trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt đã đương đầu và đánh bại rất nhiều kẻ xâm lược hùng mạnh bằng sức mạnh đại đoàn kết tuôn chảy từ cội nguồn. Dù trong lúc đất nước thái bình hay trong những khi vận mệnh cam go nhất, Vua Hùng vẫn hiển diện như một nguồn trợ lực tinh thần vô tận xuyên suốt cả thời gian lẫn không gian đến với từng người dân Việt Nam, từng gia đình người Việt Nam ở bất cứ nơi đâu trong nước hay ngoài biên giới Tổ quốc, như một động lực tinh thần cổ vũ niềm tin và sức mạnh cho toàn dân tộc tiến lên phía trước, phát triển và hội nhập toàn cầu.

 

Nguồn: Tổng hợp; Clip: Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Phú Thọ – Đất Tổ.

Tags:
1900 2039