Trang chủ / Góc sinh viên / Hoa Hòe và những lợi ích cho sức khỏe

Hoa Hòe và những lợi ích cho sức khỏe

ppblong / 12:37 am 28/03/2022

Hoa hòe có tên khoa học là Sophora japonica L., thuộc họ Đậu (Fabaceae) là một vị thuốc đã và đang được sử dụng rộng rãi trong Y Học Cổ Truyền. Vậy hoa hòe có những lợi ích gì cho sức khỏe? Hãy cùng giảng viên Khoa Dược Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tìm hiểu nhé.

Lợi ích của hoa hòe với sức khỏe

Hoa hòe là một dược liệu có mùi thơm đặc trưng với vị đắng, tính hàn. Một số thành phần hóa học đã được biết đến như các alkaloid (matrin, oxymatrin, sophocarpin, sophoramin, sophoridin,…), flavonoid (quercetin, rutin, genistein,…), saponin, polysaccharid. Trong đó, các flavonoid là những hợp chất đóng vai trò chống oxy hóa mạnh mẽ và được chứng minh là hỗ trợ sức khỏe hệ tuần hoàn. Bộ phận dùng của hoa hòe là nụ hoa sau đó phơi hoặc sấy khô để làm thuốc điều trị một số loại bệnh lý hoặc sao vàng pha trà uống với công dụng thanh nhiệt, giải độc, hạ huyết áp, làm bền thành mạch….

Giúp làm bền thành mạch, hạ huyết áp

Rutin từ nụ hoa hòe là có tác dụng kiểu vitamin P được biết đến với tác dụng làm bền vững thành mạch, cùng với đó là tăng cường sức chịu đựng của các mao mạch. Do đó, hoa hòe được sử dụng như một biện pháp giúp làm giảm và ổn định huyết áp, từ đó giúp phòng ngừa các biến chứng của huyết áp cao như: tai biến mạch máu não hay nhồi máu cơ tim,.…

Bên cạnh những tác dụng đã được chứng minh hiệu quả trong điều trị bệnh lý tăng huyết áp, rutin còn có tác dụng giúp giảm tính thấm của thành mạch và tăng cường độ bền vững của mao mạch, từ đó giúp cầm máu hiệu quả trong các trường hợp chảy máu cam, trĩ ra máu và đại tiện ra máu.

Ngăn ngừa hình thành huyết khối

Genistein, biochanin A, tectoridin và irisolidon thể hiện ưu thế tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu do acid arachidonic và U46619 (một chất phản ứng hóa học thromboxan A2) khi so sánh với aspirin liều 81 mg. Vì vậy, các hợp chất này có thể có tiềm năng điều trị rộng rãi đối với các bệnh tuần hoàn khác nhau như nhồi máu não.

Hoa hòe tên khoa học là Sophora japonica L., thuộc họ Đậu (Fabaceae)

Giúp điều trị viêm khớp

Kết quả từ các nghiên cứu tiền lâm sàng và lâm sàng đã chỉ ra rằng, thành phần hoạt chất trong hoa hòe như genistein, genistin, sophoricosid có tác dụng làm giảm sưng và viêm trên động vật thử nghiệm như chuột và trên những người bệnh bị viêm khớp mạn tính. Tuy nhiên, muốn điều trị viêm khớp hiệu quả, bệnh nhân nên kết hợp với các liệu pháp khác cũng như chế độ luyện tập.

Giúp ngủ ngon

Theo nhận định từ các chuyên gia, hoa hòe có tính mát, thanh nhiệt, lương huyết an thần, từ đó giúp chúng ta dễ đi vào giấc ngủ hơn. Do đó, hoa hòe được sử dụng phổ biến như một biện pháp giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và là phương pháp được nhiều người áp dụng, đặc biệt là người cao tuổi.

Giúp hạ đường huyết

Trong một thử nghiệm in vitro cho thấy rutin, tamarixetin, kaempferol, cajanin, pratensein cải thiện đáng kể sự hấp thu glucose cơ bản trong tế bào HepG2. Điều thú vị là tác dụng của các hợp chất như tamarixetin, kaempferol, cajanin và pratensein mạnh hơn tác dụng của rosiglitazon được sử dụng kết hợp để điều trị bệnh tiểu đường.

Giúp trắng da

N-feruloyl-N′-cis-feruloyl-putrescin được phân lập từ nụ hoa hòe được biết là ức chế hoạt động của tyrosinase trong tế bào melanocytes với IC50 là 85,0 μM từ đó ức chế sự hình thành melanin do đó hoạt chất này được ứng dụng trong các sản phẩm làm trắng và chăm sóc da.

Kháng virus và kháng viêm trong điều trị SARS-CoV-2

Một số nghiên cứu trên Kaempferol và quercetin cho thấy các đặc tính kháng vi-rút như ức chế protein kinase B và phosphoryl hóa protein kinase và ngăn chặn các hiệu ứng trên kênh chọn lọc (kênh 3a) được biểu hiện trong các tế bào bị nhiễm SARS-CoV. Chúng cũng làm giảm mức độ của các loại oxy phản ứng, sự biểu hiện của tổng hợp oxit nitric cảm ứng, các chất trung gian gây viêm bao gồm TNF-α, IL-1α, IL-1β, IL-6, IL-10 và IL-12 p70, và các chemokin. Kaempferol và quercetin có thể phát huy tác dụng có lợi trong việc kiểm soát hoặc điều trị COVID-19 vì tác dụng kháng virus, chống oxy hóa, chống viêm và điều hòa miễn dịch của 2 hợp chất này.

DS. Nguyễn Linh Tuyền

Bộ môn Dược liệu – Khoa Dược ĐH Nguyễn Tất Thành

 

Tổng hợp từ một số nguồn

He, X., Bai, Y., Zhao, Z., Wang, X., Fang, J., Huang, L., … & Zheng, X. (2016). Local and traditional uses, phytochemistry, and pharmacology of Sophora japonica L.: A review. Journal of Ethnopharmacology187, 160-182.

Khazdair, M. R., Anaeigoudari, A., & Agbor, G. A. (2021). Anti-viral and anti-inflammatory effects of kaempferol and quercetin and COVID-2019: A scoping review. Asian Pacific Journal of Tropical Biomedicine11(8), 327.

Tags:
1900 2039