Trang chủ / Góc sinh viên / Hội thảo: “Giám sát ô nhiễm rác thải vi nhựa thay cho chỉ thị sinh học truyền thống là quan trắc nhuyễn thể hai mảnh vỏ – một giải pháp ưu thế mới góp phần đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường thủy quyển”

Hội thảo: “Giám sát ô nhiễm rác thải vi nhựa thay cho chỉ thị sinh học truyền thống là quan trắc nhuyễn thể hai mảnh vỏ – một giải pháp ưu thế mới góp phần đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường thủy quyển”

ppblong / 12:27 am 23/02/2022

Sáng ngày 22/02/2022, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức hội thảo: “Giám sát ô nhiễm rác thải vi nhựa thay cho chỉ thị sinh học truyền thống là quan trắc nhuyễn thể hai mảnh vỏ – một giải pháp ưu thế mới góp phần đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường thủy quyển ” cho giảng viên – cán bộ nghiên cứu và sinh viên nhà trường

Hội thảo có sự góp mặt của diễn giả: GS.TS. Phạm Hùng Việt – Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ phân tích phục vụ Kiểm định môi trường và An toàn thực phẩm (KLATEFOS), Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đại diện phía Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có sự hiện diện của PGS.TS Trần Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng kiêm Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội liên ngành, PGS.TS. Bạch Long Giang – Trưởng phòng Khoa học Công nghệ; cùng quý thầy cô các khoa, viện, phòng ban, và gần 500 sinh viên đến từ các khoa/viện NTTU tham dự trên nền tảng Zoom và Fanpage của Trường.

Tại hội thảo, PGS.TS Trần Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng chia sẻ rất hân hạnh và vinh dự khi được đón tiếp và làm việc với GS.TS. Phạm Hùng Việt – một trong những Giáo sư đầu ngành ở Việt Nam trong lĩnh vực Hóa học – Công nghệ Thực phẩm. Trường Đại học Nguyễn Tất Thành luôn mong muốn cộng tác với các học giả hàng đầu trong và ngoài nước như GS Việt để tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học nâng cao năng lực  giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên và cán bộ nghiên cứu nhà trường tiếp cận những vấn đề, công nghệ nghiên cứu mới, đồng thời hỗ trợ sinh viên, học viên nhiều hơn trong quá trình học tập và làm quen nghiên cứu.

GS.TS. Phạm Hùng Việt  và PGS. TS. Trần Thị Hồng trao đổi với nhau tại buổi hội thảo 

Trong báo cáo khoa học của mình GS.TS. Phạm Hùng Việt chia sẻ những nội dung  sau:

  • Các sản phẩm làm từ nhựa đã góp phần thay đổi rất nhiều cuộc sống con người nhờ đặc tính bền, chịu nhiệt, giá thành tốt. Nhưng bên cạnh những lợi ích đó cũng gây ra những khó khăn nhất định trong phát triển bền vững. Hiện nay, rác thải nhựa là một trong những chủ đề hàng đầu trong việc nghiên cứu ô nhiễm môi trường. Hiện có 8.300 triệu tấn đã được sản xuất từ trước cho tới nay, tính đến năm 2015: xấp xỉ 6300 triệu tấn rác thải nhựa đã được thải ra. Dự báo 2050, khoảng 12,000 triệu tấn rác nhựa sẽ được chôn lấp hoặc đưa vào môi trường tự nhiên. Những nghiên cứu đầu tiên về ô nhiễm nhựa được thực hiện năm 1972 tập trung vào rác nhựa có kích thước từ trung bình đến kích thước lớn và các viên nhựa. Mặc dù nhựa có kích thước lớn (macroplastics) gây rủi ro dễ dàng quan sát được như gây nghẹt thở, tắc ruột và các vấn đề tiêu hóa đối với các sinh vật biển nhưng những rủi ro gây ra bởi các hạt vi nhựa có kích thước < 5 mm (microplastics) vẫn đang thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học. Theo báo cáo của Laist (1997), ít nhất 267 loài sinh vật bị ảnh hưởng bởi rác thải nhựa: Sự lầm tưởng vi nhựa là thức ăn đã gây ra cái chết cho nhiều loài sinh vật biển trong đó có cá voi, rùa và chim biển,…; Sự tiêu hóa vi nhựa đã được ghi nhận ở các loài sinh vật phù du và ấu trùng ở đáy chuỗi thức ăn, ở động vật không xương sống (tôm, vẹm, trai, cua) và ở cá (cá cơm, cá bống, cá ngựa vằn, và cá diêu hồng). Nguyên nhân được cho là các sinh vật nhỏ như động vật phù du nhầm lẫn vi nhựa với thức ăn nên đã nuốt phải, chúng lại làm thức ăn cho các loại cá nhỏ rồi đến cá lớn, cuối cùng vi nhựa tích lũy khắp nơi trong chuỗi thức ăn của hệ sinh thái biển.
  • Điều đáng quan tâm hơn cả là trong thành phần vi nhựa có thể chứa một số phụ gia có khả năng gây hại cho sinh vật như phthalates (phụ gia dẻo hóa nhựa), bisphenol A (BPA – phụ gia chống oxi hóa), PBDEs (polybrom diphenyl ete – phụ gia chống cháy), v.v. Ngoài ra, vi nhựa có khả năng hấp thu và tích lũy tốt các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy như polyclobiphenyl (PCBs), các hydrocacbon thơm đa vòng ngưng tụ (PAHs), thuốc trừ sâu cơ clo (OCPs) và các kim loại nặng từ môi trường. Vì vậy, chúng còn vận chuyển các hóa chất độc hại làm tăng khả năng xâm nhập của các chất này vào chuỗi thức ăn. Trước đây, chương trình giám sát vẹm (Mussel Watch Program) đã được triển khai dọc bờ biển Hoa Kỳ trong suốt hai thập kỉ nhằm giám sát các độc chất DDT, PAHs và PCBs trong loài hai mảnh vỏ như một cách thức gián tiếp để theo dõi rủi ro môi trường và sức khỏe cộng đồng. Việc phân tích mẫu nước, mẫu trầm tích và cột trầm tích cổ ở biển để đo lồng độ PCBs giúp chúng ta đánh giá mức độ và tái hiện lịch sử ô nhiễm thủy quyển. Ngày nay, việc giám sát hóa chất hấp thu trên vi nhựa được xem là cách tiếp cận mới tiềm năng góp phần đánh giá mức độ ô nhiễm các độc tố hữu cơ trong môi trường nước.
  • Ở Việt Nam, đầu năm 2020 Chính phủ đã xây dựng “Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030” nhằm đánh giá các nguy cơ, rủi ro ô nhiễm và tác động của rác thải nhựa đặc biệt là vi nhựa với biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người. Ở khu vực phía Nam hiện chưa có nghiên cứu tổng thể về vi nhựa, chúng ta có thể làm các khảo sát để đánh giá mức độ ô nhiễm vi nhựa ảnh hưởng đến đời sống người dân tại các ao hồ nước ngọt, khu nuôi tôm, khu chôn lấp và xử lý rác thải. Diễn giả cho rằng, lực lượng giới trẻ hiện nay mà đặc biệt là những đoàn viên, thanh niên nên là lực lượng đi đầu nhằm hạn chế rác thải nhựa và sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường.

Cũng tại Hội thảo, lãnh đạo Nhà trường cảm ơn những thông tin hữu ích từ báo cáo khoa học của GS.TS. Phạm Hùng Việt và mong muốn Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ phân tích phục vụ Kiểm định môi trường và An toàn thực phẩm (KLATEFOS), Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nhằm hỗ trợ tập huấn sử dụng phòng thí nghiệm công nghệ cao của KLATEFOS cũng như nâng cao chất lượng giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên giỏi lĩnh vực Hóa học – Công nghệ Thực phẩm. GS.TS. Phạm Hùng Việt cảm ơn nhã ý của Nhà trường và hy vọng sớm thỏa thuận hợp tác toàn diện hai bên. GS Việt cho rằng ĐH Nguyễn Tất Thành là một trong những trường đại học ngoài công lập hàng đầu ở Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, việc Nhà trường luôn tạo điều kiện cho các giảng viên và nghiên cứu viên sẽ sớm giúp Trường khẳng định vị thế trong nghiên cứu khoa học trên bản đồ thế giới. Sắp tới, GS.TS. Phạm Hùng Việt muốn mời Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là thành viên của hội đồng nghiên cứu vi nhựa khu vực phía Nam.

Kết thúc Hội thảo, PGS.TS Trần Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng đại diện Nhà trường tặng hoa để cảm ơn GS.TS. Phạm Hùng Việt đã đến chia sẻ báo cáo khoa học của mình về ô nhiễm vi nhựa. Dù được tổ chức thông qua hai hình thức trong đó người tham gia trực tuyến là chính nhưng Hội thảo diễn ra sôi nổi với những câu hỏi đến từ phía các giảng viên, sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và phần trả lời của diễn giả.

Một số hình ảnh Hội thảo

Thông tin diễn giả

GS.TS. Phạm Hùng Việt nhận bằng cử nhân Hóa học năm 1975 tại Đại học Martin – Luther University, Halle Wittenberg (CHLB Đức), tốt nghiệp thạc sỹ và tiến sỹ ngành Hóa tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sỹ (Thụy Sỹ) năm 1987. Ông đã và đang chủ trì 07 dự án hợp tác quốc tế, là tác giả/ đồng tác giả của 170 bài báo đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế, hơn 200 bài đăng trong kỷ yếu hội nghị (129 hội nghị quốc tế), 14 chương sách chuyên khảo quốc tế và 04 cuốn sách giáo trình. Theo google schoolar, h-index all database của GS. Việt đạt mốc 61 với tổng lượt trích dẫn lên đến hơn 17.414 lượt; theo Web of science, h-index = 50 với tổng lượt trích dẫn: 14.959. GS.TS. Phạm Hùng Việt hiện là thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN, ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Hóa học – Công nghệ Thực phẩm chuyên ngành Hóa phân tích từ 2009 đến nay. GS. Việt là thành viên hội đồng biên tập Journal of Science: Advanced Materials and Devices (SCIE, IF = 5.469, Q1), và là ủy viên thường trực Hội đồng biên tập tạp chí ĐHQGHN, tạp chí KHCN- Bộ KH&CN (bản B và bản C) và tạp chí KH-CN của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, là đồng chủ trì hội nghị quốc tế Analytica Việt Nam từ năm 2009 đến nay (6 lần tổ chức hội nghị).

Phòng Khoa học Công nghệ

Tags:
1900 2039