Trang chủ / Góc sinh viên / Khoa Kỹ thuật – Công nghệ: Đẩy mạnh hợp tác trong xây dựng học liệu giảng dạy theo chuẩn quốc tế

Khoa Kỹ thuật – Công nghệ: Đẩy mạnh hợp tác trong xây dựng học liệu giảng dạy theo chuẩn quốc tế

ppblong / 12:39 am 12/10/2022

Vừa qua, Khoa Kỹ thuật – Công nghệ phối hợp cùng các giáo sư, nhà khoa học Khoa Cơ khí thuộc Trường Đại học Công nghệ Pohang (FME POSTECH) của Hàn Quốc tổ chức chương trình giao lưu trao đổi quốc tế dành cho sinh viên và giảng viên của hai đơn vị. Chương trình được thực hiện với mục tiêu gắn kết cộng đồng các nhà khoa học người Việt đang công tác và sinh sống tại Hàn Quốc cũng như tại các quốc gia có nền giáo dục phát triển, có tâm huyết với giáo dục trong nước và sẵn sàng hợp tác với Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Đây được xem là một trong những chủ trương quan trọng trong chiến lược phát triển của Khoa Kỹ thuật – Công nghệ nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc tế một cách thiết thực và hiệu quả, song song với nhiệm vụ về trao đổi học thuật chuyên môn, xây dựng tài liệu/học liệu, phát triển nghiên cứu ứng dụng và dịch vụ kỹ thuật, tuyển dụng và thu hút nhân tài phù hợp với điều kiện năng lực, bối cảnh hiện tại và mục tiêu chất lượng của Khoa.

Hình ảnh giao lưu trực tuyến trao đổi quốc tế FET NTTU – FME POSTECH

Trong chương trình trao đổi quốc tế lần này, bên cạnh những chia sẻ về kinh nghiệm, thành tựu, định hướng chuyên môn cũng như thảo luận về khả năng hợp tác nghiên cứu chung giữa các cá nhân và hai đơn vị,  Khoa Kỹ thuật – Công nghệ cũng đã đề xuất chương trình hợp tác mở rộng với cộng đồng các nhà khoa học người Việt tại Hàn Quốc trong công tác xây dựng cơ sở học liệu và tài liệu giảng dạy theo chuẩn Quốc tế cho các chương trình đào tạo của Khoa, ưu tiên tập trung cho các ngành học mới được Nhà trường phê duyệt tuyển sinh, đào tạo từ năm 2022.

Với mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trong nước cũng như các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam, bên cạnh việc liên tục cải tiến nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo hiện hữu, Khoa Kỹ thuật – Công nghệ đã chủ động trong việc nghiên cứu thị trường lao động, khảo sát và phân tích xu hướng phát triển nghề nghiệp và nhu cầu nhân lực của cộng đồng doanh nghiệp trong tương lai, đặc biệt là sự hình thành và phát triển của các ngành nghề phi truyền thống, những ngành nghề mới trong lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ có vai trò quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Chính phủ. Quá trình xây dựng và phát triển các ngành đào tạo mới của Khoa được thực hiện bài bản, kỹ lưỡng và đồng bộ từ các khâu chọn lựa nhân sự , tổ chức thực hiện, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng học liệu và tài liệu giảng dạy, khảo sát ý kiến chuyên gia và các bên liên quan, tập huấn nghiệp vụ và nghiệm thu theo mục tiêu, theo giai đoạn….

Hình ảnh giao lưu trực tuyến trao đổi quốc tế FET NTTU – FME POSTECH

Thông tin về các chương trình đào tạo ngành học mới được chính thức triển khai tuyển sinh và đào tạo từ năm học 2022-2023:

Chương trình đào tạo đại học Robot và Trí tuệ nhân tạo (Robot & AI) trình độ cử nhân và trình độ kỹ sư.

Ngành Robot & AI là lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực mới chuyên sâu cho các nhà máy, doanh nghiệp trong thời kì chuyển đổi số với mức độ tự động hóa cao tại Việt Nam và trên thế giới. Đây là xu hướng phát triển tất yếu của các máy móc – thiết bị công nghệ – dây chuyền sản xuất tiên tiến trong các nhà máy hiện đại, trong bối cảnh công nghiệp 4.0. Nhiều công bố khảo sát nhu cầu nguồn nhân lực ngành Robot &AI tại các doanh nghiệp, công ty, cơ quan đơn vị cho thấy, từ nay đến năm 2030, tổng nhu cầu nhân lực ngành Robot & AI trình độ đại học, cần được đáp ứng cho thị trường lao động Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên thống kê năng lực đào tạo của các trường đại học trong nước cho nhân sự AI mới đáp ứng 10% nhu cầu tuyển dụng của thị trường trong nước, chưa kể thị trường nước ngoài còn rất nhiều cơ hội.

Chương trình đào tạo đại học Logistic và Internet vạn vật (Logistic & IoT) trình độ cử nhân và trình độ kỹ sư.

Tại Việt Nam, sự tăng trưởng của logistics góp phần lớn vào phát triển kinh tế chung. Với sự ra đời của các giải pháp tích hợp công nghệ, ngành này đã trở thành một phần không thể thiếu trong sự tăng trưởng của Việt Nam. Giải quyết những thách thức trong đại dịch như thiếu hụt container, giãn cách xã hội… khiến các doanh nghiệp rút ra nhiều bài học. Việc xử lý các gián đoạn chuỗi cung ứng hiệu quả đã tạo ra quá trình chuyển đổi công nghệ được gọi là Logistics 4.0. Trong giai đoạn này, công nghiệp chế tạo và logistics đẩy mạnh tích hợp hệ sinh thái của mình với các công nghệ tiên tiến, như sử dụng hệ thống Internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), người máy, quy trình xử lý ngôn ngữ và sản xuất tinh gọn trong quản lý chuỗi cung ứng. Theo Thời báo tài chính Việt Nam, nhu cầu nhân lực logistics của Việt Nam đến năm 2025 là khoảng 300.000 nhân viên chuyên nghiệp, trong số khoảng 1,2 triệu người hoạt động trong lĩnh vực logistics.

Chương trình đào tạo đại học Công nghệ chế tạo máy số (Digital Manufacturing Technology) trình độ cử nhân và trình độ kỹ sư.

Nhiều doanh nghiệp hiện đang đối mặt với bài toán thiếu nhân lực ngành cơ khí chế tạo máy, đặc biệt trong xu hướng ứng dụng công nghệ số trong chế tạo hiện nay. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động Tp.HCM, công nghệ chế tạo máy số và tự động hóa là một trong bốn ngành kinh tế chủ lực cần nhiều lao động với nhu cầu khoảng hơn 8.000 người/năm.

Thống kế trong những năm qua cũng cho thấy ngành chế tạo máy là một trong 10 nhóm ngành có nhu cầu nhân lực tuyển dụng đều đặn qua các năm. Hiện nay các ngành kĩ thuật đang càng góp mặt sâu hơn vào quá trình thiết kế và thử nghiệm các công nghệ mới như thiết bị tự động hóa hay Robot cao cấp. Do vậy, cơ hội việc làm cho các kĩ sư công nghệ chế tạo máy số hay các kĩ thuật viên đang không ngừng tăng lên. Theo dự đoán, từ năm 2018 đến năm 2028 sẽ cần khoảng 229.000 vị trí công việc cho các kĩ sư lĩnh vực này.

Chương trình đào tạo đại học Tự động hóa (Automation Engineering) trình độ cử nhân và trình độ kỹ sư.

Xã hội phát triển, hiện đại hoá năng suất lao động là nhu cầu cần thiết, đòi hỏi sự chuyên môn hoá của thiết bị tự động, yêu cầu máy móc cần phải gọn nhẹ hơn, linh động hơn, uyển chuyển hơn và thông minh hơn, đòi hỏi đội ngũ nhân lực vận hành phải giàu kiến thức, kinh nghiệm, sáng tạo để vận hành và điều khiển các công cụ máy móc đó. Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TpHCM đến năm 2025, nhóm ngành điều khiển và tự động hóa sẽ cần khoảng 16.200 người/năm.

Có thể nói, việc mở mới các ngành đào tạo phù xu hướng chuyển đổi nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của người học, của doanh nghiệp và xã hội là hết sức cần thiết, thể hiện sự năng động và trách nhiệm xã hội cao của Nhà trường trong thực hiện sứ mệnh cung cấp nguồn lực con người cho đất nước. Trong đó, công tác tổ chức thực hiện và huy động các nguồn lực phù hợp với điều kiện thực tế của Khoa để triển khai các chương trình đào tạo một cách hiệu quả đóng vai trò hết sức quan trọng. Khoa KTCN kỳ vọng việc xây dựng network các nhà khoa học, nhà giáo dục người Việt có uy tín, tâm huyết và khát khao cống hiến từ các nền giáo dục phát triển sẽ đóng góp đáng kể cho sự phát triển chung của Khoa, đặc biệt trong công tác xây dựng và hoàn thiện cơ sở học liệu, tài liệu giảng dạy, thu hút nhân tài  theo chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025 hướng đến 2035. Chương trình giao lưu trao đổi quốc tế FET NTTU và FME POSTECH vừa qua là một trong những minh chứng cho kế hoạch hành động của Khoa KTCN nhằm huy động và phát huy các nguồn lực giá trị, thiết thực, góp phần xây dựng môi trường giáo dục ”Thực học – Thực hành – Thực danh – Thực nghiệp” và lan tỏa giá trị văn hóa ”Nhân văn-Hạnh phúc” của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

TS Hoàng Thịnh Nhân – Khoa Kỹ thuật – Công nghệ

Tags:
1900 2039