Trang chủ / Góc sinh viên / Ngày Sức khỏe Thế giới (World Health Day) năm 2022 với Chủ đề “Bảo hiểm Sức khỏe Toàn dân”

Ngày Sức khỏe Thế giới (World Health Day) năm 2022 với Chủ đề “Bảo hiểm Sức khỏe Toàn dân”

ppblong / 12:52 am 07/04/2022

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn ngày 7 tháng 4 hàng năm là ngày Ngày Sức khoẻ Thế giới. Mỗi năm, Tổ chức Y tế Thế giới sẽ chọn một vấn đề y tế trọng điểm toàn cầu và tổ chức các sự kiện trên phạm vi địa phương, khu vực, quốc tế trong ngày này và suốt năm để nêu bật lĩnh vực được lựa chọn. Năm 2022 Chủ đề “Bảo hiểm Sức khỏe Toàn dân”là chủ đề được lựa chọn.

Theo WHO, một nửa dân số thế giới không được quan tâm đến các dịch vụ y tế thiết yếu. Đây là một nguyên nhân rất lớn gây lo ngại cho các nhà lãnh đạo thế giới và các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia khác nhau

Ngày Sức khỏe Thế giới (World Health Day) năm 2022, Tổ chức Y tế Thế giới đang tập trung vào việc nâng cao nhận thức về tình trạng thiếu chăm sóc sức khỏe phổ biến ở các quốc gia khác nhau. Bảo hiểm Y tế Toàn dân có nghĩa là mọi người có thể tiếp cận các dịch vụ y tế mà không gặp khó khăn về tài chính. Toàn bộ hoạt động chăm sóc sức khỏe bao gồm thúc đẩy các sáng kiến ​​chăm sóc sức khỏe, cung cấp các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo điều trị, cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ phải có thể tiếp cận được với chi phí có thể kiểm soát được.

Những người sống trong cảnh nghèo đói thường bán tài sản và tiêu tiền tiết kiệm của họ để đáp ứng các chi phí chăm sóc sức khỏe. Điều này có thể giúp họ bảo đảm sức khỏe và vượt qua tình trạng hiện tại, nhưng phải trả giá bằng việc khiến họ gặp khủng hoảng trong tương lai.

Bảo hiểm Sức khỏe toàn dân sẽ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng cho mọi người và cải thiện sức khỏe cũng như cuộc sống của họ. Nó hướng tới việc bảo vệ mọi người khỏi hậu quả của việc chi một khoản tiền khổng lồ cho việc chăm sóc sức khỏe.

Những người được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng cần phải nhận thức được điều mà một nửa dân số Trái Đất không có và đấu tranh vì mục tiêu bình đẳng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng cho tất cả mọi người. Nhân viên y tế có thể đóng một vai trò quan trọng trong chiến dịch này bằng cách cho các nhà hoạch định chính sách biết về những điều cần thiết liên quan đến chất lượng chăm sóc sức khỏe. Các nhà hoạch định chính sách sau đó có thể đưa ra các quyết định đảm bảo Bao phủ Y tế Toàn dân và đạt được mục tiêu của “Các Mục tiêu Phát triển Bền vững” (Sustainable Development Goals).
Các Mục tiêu Bền vững (The Sustainable Goals is a United Nations) là một sáng kiến ​​của Liên hợp quốc đã đặt ra 17 mục tiêu để các quốc gia đạt được đến năm 2030. Một số mục tiêu như sau:

  • No Poverty – Không đói nghèo,
  • Good Health and Well-being – Sức khỏe tốt và Hạnh phúc,
  • Clean Water and Sanitation – Nước sạch và Vệ sinh,
  • Gender Equality – Bình đẳng giới,
  • Climate Action – Hành động chống biến đổi khí hậu…

Việt Nam thành công trong chăm sóc y tế toàn dân

Thành tựu của Việt Nam về chăm sóc sức khỏe toàn dân

Ngày 23/9/2019, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Bộ trưởng Y tế Việt Nam đã dự phiên toàn thể cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc về việc bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC). Với chủ đề “Cùng xây dựng một thế giới khỏe mạnh hơn”, hội nghị đã thu hút sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia, nhiều nhà hoạch định chính sách cũng như nhiều lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực y tế của các nước.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Việt Nam nêu rõ: Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc củng cố hệ thống y tế cơ sở để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn cho người dân, đảm bảo để người dân được thụ hưởng các chương trình chăm sóc sức khỏe do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả. Hệ thống y tế cơ sở được thiết lập từ trung ương đến địa phương với hơn 11.000 trạm y tế xã. Hầu hết các trạm y tế xã đều có bác sĩ, y tá, nữ hộ sinh, cán bộ y học cổ truyền và hoạt động dựa trên nguyên lý y học gia đình. Theo báo cáo giám sát tình hình chăm sóc sức khỏe toàn dân năm 2017 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) tiến hành, chỉ số bao phủ dịch vụ y tế của Việt Nam đạt 73/100 điểm, khá cao so với mức chung ở Đông Nam Á là 59/100 và toàn cầu là 64/100.

Chương trình Bảo hiểm y tế đã đạt mức 90% dân số tham gia và chính phủ trợ cấp 100% phí bảo hiểm y tế cho những đối tượng dễ bị tổn thương, người có hoàn cảnh khó khăn và trợ cấp 70% cho người nghèo.

Nhận thức được tầm quan trọng của quy trình chăm sóc sức khỏe ban đầu, Việt Nam đã thực hiện 10 chính sách cải tổ ngành y tế nhằm củng cố hiệu quả của hệ thống y tế, nhất là cải thiện khả năng chuyên môn của hệ thống y tế cơ sở để có thể chăm sóc sức khỏe cho cả người ốm và người khỏe mạnh.

Việt Nam đã đạt những thành quả ấn tượng về chăm sóc sức khỏe cho người dân; hoàn thành gần như tất cả các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và đang trên con đường tiến tới đạt Mục tiêu phát triển bền vững. Chính phủ ưu tiên và đầu tư vào lĩnh vực sức khỏe, giúp Việt Nam đạt được các thành tựu phát triển kinh tế – xã hội đáng kể, đưa đất nước trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Việt Nam có thể sẽ trở thành nước đi đầu trong việc bao phủ y tế toàn dân bằng cách xây dựng nền tảng vững chắc dựa vào chăm sóc sức khỏe ban đầu, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, cả công và tư.

Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư vào hệ thống y tế, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe ban đầu; cam kết đạt sự bao phủ y tế toàn dân vào năm 2030 và đang đang trên đà đạt được mục tiêu này.

Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc tiến tới bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân. Theo đó, Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ quan trọng – tỷ lệ tham gia bảo hiểm và các nguồn ngân sách hỗ trợ đã và đang gia tăng nhanh chóng; trong những năm gần đây Chính phủ Việt Nam cũng đã chú trọng đầu tư cho cơ sở y tế (bệnh viện, trung tâm y tế…) và nguồn nhân lực y tế.

Theo WB, trên lộ trình của Việt Nam tiến tới bao phủ y tế toàn dân vào năm 2030 có việc tăng bề rộng bao phủ của bảo hiểm y tế; tăng đáng kể mức ngân sách chung dành cho trợ cấp mua bảo hiểm đối với đối tượng cận nghèo hoặc lao động phi chính thức; tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông về bảo hiểm y tế cho cả cơ sở y tế và đối tượng thụ hưởng; khuyến khích tham gia mua bảo hiểm cho cả hộ gia đình; tăng cường tuân thủ tham gia bảo hiểm ở nhóm bảo hiểm bắt buộc, đặc biệt là khối lao động chính thức; nâng cao công bằng và bảo đảm tài chính – tăng cường triển khai chính sách đồng chi trả, có cơ chế khiếu nại rõ ràng; có chế độ hỗ trợ cho những trường hợp có chi phí y tế cao…

Số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, trong những năm qua số người tham gia bảo hiểm y tế ở nước ta tăng đáng kể.

Năm 2020, nhóm đối tượng tham gia do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng và do ngân sách nhà nước đóng đã đạt mức bao phủ 100% số người tham gia. Nhóm đối tượng do người sử dụng lao động và người lao động đóng đạt mức bao phủ 91,5% trên tổng số người thuộc diện tham gia.

Nhóm đối tượng tham gia do ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng đạt mức bao phủ là 94,11% trên tổng số người thuộc diện tham gia, trong đó có đối tượng hộ gia đình cận nghèo và hộ gia đình nghèo đa chiều đã đạt mức bao phủ bảo hiểm y tế là 100%. Nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình đạt mức bao phủ 76,5% trên tổng số người thuộc diện tham gia.

Nhóm đối tượng cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an đạt mức bao phủ 100%. Nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng là hơn 51 triệu người, chiếm 58,08% tổng số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.

Đến đầu năm 2021, tổng số đối tượng tham gia được cấp thẻ bảo hiểm y tế là 87,97 triệu người, đạt 90,05% dân số.

Trích nguồn Báo Tin tức

Cổng thông tin sở y tế VN

 

Tags:
1900 2039