Trang chủ / Góc sinh viên / Phát triển y tế bức xạ hiện đại, SV ngành Vật lý Y khoa giữ vai trò quan trọng

Phát triển y tế bức xạ hiện đại, SV ngành Vật lý Y khoa giữ vai trò quan trọng

ppblong / 1:01 am 04/07/2024

Người làm vật lý y khoa tại các khoa xạ trị và y học hạt nhân phần lớn tốt nghiệp ngành kỹ thuật, chưa nhiều nhân lực vật lý y khoa X quang chẩn đoán và can thiệp.

Vật lý Y khoa là ngành khoa học ứng dụng, áp dụng các kiến thức, quy luật và hiện tượng vật lý cũng như nguyên tắc kỹ thuật vào sinh học, y tế để phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành có đào tạo ngành Vật lý Y khoa.

Trong tương lai, nhu cầu nguồn nhân lực Vật lý Y khoa rất lớn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đặng Thanh Lương – Trưởng ngành Vật lý Y khoa, Phó Trưởng khoa Khoa Y, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã có những chia sẻ về ngành Vật lý Y khoa.

Bàn về nhu cầu nhân lực ngành Vật lý Y khoa, thầy Lương cho biết, nhu cầu sử dụng các kỹ thuật bức xạ hạt nhân trong chẩn đoán và điều trị ngày càng cao, các kỹ thuật này đã trở thành những công cụ rất quan trọng và không thể thiếu trong một nền y tế hiện đại. Tuy nhiên, bức xạ ion hóa có thể gây hại và cần áp dụng cách tiếp cận có hệ thống để đảm bảo có sự cân bằng giữa việc tận dụng những mặt có lợi từ việc sử dụng bức xạ ion hóa trong y tế và giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng bức xạ đối với bệnh nhân, nhân viên y tế.

Thầy Lương - ĐH Nguyễn Tất Thành .png

Tiến sĩ Đặng Thanh Lương – Trưởng ngành Vật lý Y khoa, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. (Ảnh: NTCC)

“Nguồn nhân lực Vật lý Y khoa là một trong 3 trụ cột nguồn nhân lực quan trọng trong y tế bức xạ, bao gồm bác sĩ chuyên khoa, kỹ thuật viên xạ trị, y học hạt nhân, điện quang và vật lý y khoa. Họ giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng, hiệu quả và an toàn trong chẩn đoán và điều trị.

Để việc ứng dụng kỹ thuật bức xạ và hạt nhân trong y tế được hiệu quả và an toàn, yếu tố then chốt và quyết định là nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực Vật lý Y khoa là điều kiện tiên quyết để cấp phép hoạt động cho các cơ sở y tế sử dụng bức xạ ion hóa”

Tiến sĩ Đặng Thanh Lương chia sẻ

Thầy Lương cho biết, hiện người làm vật lý y khoa tại các khoa xạ trị và y học hạt nhân phần lớn tốt nghiệp từ các ngành thuộc khối kỹ thuật như: Vật lý, Vật lý hạt nhân, Tin học,… chưa có nhiều nhân lực vật lý y khoa trong X quang chẩn đoán và can thiệp. Do đó, nhu cầu nguồn nhân lực Vật lý Y khoa trong tương lai rất lớn và đòi hỏi người tốt nghiệp phải có đầy đủ trình độ chuyên môn và kỹ năng để đáp ứng yêu cầu công việc.

“Theo tôi được biết, hiện nay cả nước có 02 cơ sở đào tạo cử nhân hệ chính quy ngành Vật lý Y khoa là Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

Đối với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, chương trình đào tạo ngành Vật lý Y khoa được chứng nhận đạt kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học”, thầy Lương cho biết.

Sinh viên ngành Vật lý Y khoa trong giờ học thực hành. (Ảnh: website nhà trường)

Sinh viên ngành Vật lý Y khoa trong giờ học thực hành. (Ảnh: website nhà trường)

Theo tìm hiểu của phóng viên, những năm gần đây, ngành Vật lý Y khoa của nhà trường có chỉ tiêu tuyển sinh là 50 sinh viên/năm. Ưu điểm khi sinh viên chọn học ngành này của nhà trường thể hiện ở 03 khía cạnh chính.

Cụ thể, chương trình đào tạo được tham vấn và đánh giá bởi các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (AnhInternational Atomic Energy Agency viết tắt là IAEA -PV); giảng viên được đào tạo chính quy từ chương trình đào tạo Vật lý Y khoa do các trường đại học uy tín trên thế giới công nhận; trang thiết bị thực hành đầy đủ và hiện đại, giúp sinh viên quen với môi trường làm việc thực tế của một nhà Vật lý Y khoa trước khi tốt nghiệp ra trường (hệ thống thiết bị nổi bật như: hệ thống lập kế hoạch xạ trị; hệ thiết bị đo liều quang phát quang; thiết bị kiểm tra chất lượng cho X quang, y học hạt nhân và xạ trị gồm các loại detector, phantom,…).

Bên cạnh đó, nhà trường còn liên kết đào tạo với các bệnh viện lớn trên địa bàn như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện 1A. Do đó, từ năm 3 đại học, sinh viên bắt đầu được kiến tập và thực tập tại các bệnh viện. Các đề tài khóa luận tốt nghiệp của sinh viên phần lớn được thực hiện tại các bệnh viện nên mang tính ứng dụng cao.

Sinh viên ngành Vật lý Y khoa Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. (Ảnh: website nhà trường)

Sinh viên ngành Vật lý Y khoa Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. (Ảnh: website nhà trường)

Thầy Lương chia sẻ, nhằm đáp ứng nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng cũng như xu hướng phát triển của ngành, chương trình đào tạo ngành Vật lý Y khoa luôn được cập nhật và đổi mới. Trong đó, chương trình giới thiệu về các thiết bị chẩn đoán và điều trị mới, các kỹ thuật mới có liên quan đến ngành nghề. Ngoài ra, chương trình đào tạo giới thiệu cho sinh viên về xu hướng phát triển ngành nghề trong thời gian tới, những kỹ năng mà sinh viên cần chuẩn bị để đáp ứng được yêu cầu công việc, gia tăng cơ hội việc làm.

“Để nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường còn chú trọng vào việc học đi đôi với hành. Hệ thống thiết bị thực hành đầy đủ và hiện đại, cho phép sinh viên làm quen với công việc của một nhà Vật lý Y khoa ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thời lượng thực hành và thực tập của sinh viên luôn được phân bổ phù hợp. Ngoài giờ học chính quy, sinh viên hoàn toàn có thể đăng ký sử dụng các thiết bị tại phòng thực hành để rèn luyện kỹ năng. Đặc biệt, tính năng remote (từ xa-PV) từ nhà đến Hệ thống lập kế hoạch xạ trị của nhà trường giúp sinh viên chủ động trong việc phân bố thời gian thực hành.

Khi thực tập và kiến tập tại bệnh viện, sinh viên được hướng dẫn thực hiện các phép đo kiểm tra chất lượng thiết bị ở cả 3 chuyên khoa là X quang chẩn đoán và can thiệp, y học hạt nhân và xạ trị. Ngoài ra, sinh viên còn được thực hiện các đề tài nghiên cứu liên quan như đánh giá liều lượng bức xạ lên bệnh nhân, nhân viên, đảm bảo an toàn bức xạ tại đơn vị”, Trưởng khoa chia sẻ.

Hình ảnh sinh viên ngành Vật lý Y khoa, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trong giờ thực hành tại bệnh viện. (Ảnh: website nhà trường)

Hình ảnh sinh viên ngành Vật lý Y khoa, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trong giờ thực hành tại bệnh viện. (Ảnh: website nhà trường)

Trên thực tế, đặc thù công việc vật lý y khoa gắn liền với các cơ sở y tế (nơi có thiết bị để phục vụ dạy học và nghiên cứu) nên việc thực hiện công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của ngành Vật lý Y khoa gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận các thiết bị, nhất là khi có nhiều bệnh nhân thăm khám. Để khắc phục khó khăn này, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã bố trí giờ học, nghiên cứu khoa học ngành Vật lý Y khoa ngoài giờ để tránh ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh ở bệnh viện; mở rộng liên kết đào tạo với nhiều cơ sở y tế khác nhằm phân bổ hợp lý số lượng sinh viên đến các cơ sở.

Theo thầy Lương, nguồn nhân lực vật lý y khoa nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả và an toàn trong chẩn đoán và điều trị; là nguồn nhân lực đảm bảo cho sự phát triển bền vững áp dụng các kỹ thuật bức xạ và hạt nhân y tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vai trò trách nhiệm của các nhà vật lý y khoa chưa được xã hội công nhận một cách rõ rệt. Đây cũng là một trong số những lý do khách quan dẫn đến ngành Vật lý Y khoa chưa thể phát triển theo đúng hướng và đúng tầm mà xã hội yêu cầu; nhiều người lo ngại và đắn đo khi chọn ngành Vật lý Y khoa – một ngành được coi là non trẻ ở Việt Nam.

“Với niềm tin vào vị trí việc làm và tầm quan trọng của ngành Vật lý Y khoa, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tiếp tục phấn đấu để góp phần vào công cuộc đào tạo nguồn nhân lực giữ vai trò quan trọng trong phát triển ngành y tế bức xạ hiện đại, tiên tiến”, thầy Lương bày tỏ.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Vật lý Y khoa nhanh chóng thích nghi công việc

Theo một số chia sẻ, vị trí việc làm đối với ngành Vật lý Y khoa rất đa dạng. Bên cạnh những yêu cầu chung, mỗi đơn vị khi tuyển dụng sẽ đặt ra yêu cầu riêng đối với ứng viên khi ứng tuyển vào các vị trí việc làm trong lĩnh vực vật lý y khoa.

Chia sẻ với phóng viên, một cán bộ đang công tác tại bệnh viện đánh giá điểm mạnh của sinh viên tốt nghiệp ngành Vật lý Y khoa là có kỹ năng thực hành khá tốt do đã được trải qua các bài thực hành thực tập tại trường và bệnh viện.

Sinh viên ngành Vật lý Y khoa mới ra trường thực hiện được các kỹ thuật cơ bản, tuy nhiên còn thiếu kỹ năng giải quyết các tình huống phát sinh trong thực tế. Do đó, cần phải đào tạo thêm cho sinh viên các kỹ năng giải quyết tình huống phát sinh thực tế, kỹ năng giao tiếp với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Ngoài ra, cũng cần trang bị tốt hơn nữa về ngoại ngữ, kỹ năng ứng dụng công nghệ tiên tiến như Al trong lĩnh vực ngành nghề cho sinh viên.

Thêm nữa, sinh viên cần được trang bị thêm kỹ năng giải quyết các vấn đề về thủ tục hành chính liên quan đến công việc bức xạ. Mở rộng kiến thức về các luật định, quy định. Sinh viên ngành Vật lý Y khoa cũng cần nắm rõ các kỹ năng sử dụng bức xạ một cách có trách nhiệm, kỹ năng làm việc nhóm.

Cũng theo vị này, người lao động vật lý y khoa là lực lượng quan trọng giúp bệnh viện có thể sử dụng thiết bị bức xạ hiệu quả nhất. Mức lương đối với người lao động vật lý y khoa luôn tương xứng với trách nhiệm đảm nhận.

Em Nguyễn Thị Mai Loan – thực tập sinh tại Khoa Xạ trị, Bệnh viện Quân y 175 chia sẻ, nhờ được học cách lập kế hoạch xạ trị và đo đạc thông số máy gia tốc dùng trong xạ trị ở Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã giúp em thích nghi, hòa nhập rất nhanh khi bắt đầu công việc thực tế tại Khoa Xạ trị, Bệnh viện Quân y 175.

Loan.jpg

Em Nguyễn Thị Mai Loan – thực tập sinh tại Khoa Xạ trị, Bệnh viện Quân y 175. (Ảnh: NTCC)

Còn chị Trần Thị Khả Ái – cựu sinh viên ngành Vật lý Y khoa, Khoa Y, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành hiện đang công tác tại Đơn vị An toàn vệ sinh lao động và bức xạ, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định, những kiến thức đo đạc bức xạ được học ở Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã giúp chị Ái rất nhiều trong công việc hỗ trợ đảm bảo chất lượng cho máy chụp X quang và chụp CT tại bệnh viện.

Ái.png

Chị Trần Thị Khả Ái – cựu sinh viên ngành Vật lý Y khoa, Khoa Y, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. (Ảnh: NTCC)

Ghi nhận ý kiến chia sẻ của người học, em Bùi Hoàng Hải – sinh viên ngành Vật lý Y khoa, Khoa Y, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết: “Em cảm thấy kiến thức ngành Vật lý Y khoa khó nhưng rất quan trọng. Ngành học này cung cấp cho em kiến thức chuyên sâu và em cảm nhận được rất rõ trách nhiệm của ngành nghề mà bản thân lựa chọn”.

Hải .png

Em Bùi Hoàng Hải – sinh viên ngành Vật lý Y khoa, Khoa Y, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. (Ảnh: NTCC)

Em Nguyễn Thị Yến Vi – sinh viên ngành Vật lý Y khoa, Khoa Y, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, ban đầu, các kiến thức về bức xạ và thiết bị rất trừu tượng đối với em. Tuy nhiên, sau một thời gian được học tập và thực hành tại trường, bệnh viện, em đã hiểu hơn rất nhiều về ngành Vật lý Y khoa và cảm thấy yêu thích ngành học này.

Trao đổi với phóng viên, Thạc sĩ Phạm Như Tuyền – Trưởng Bộ môn Vật lý X quang chẩn đoán và can thiệp, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, sau khi sinh viên ngành Vật lý Y khoa tốt nghiệp có thể đảm nhận các vị trí công việc tại:

    • Khoa Xạ trị, Y học hạt nhân, Chẩn đoán hình ảnh và Đơn vị An toàn bức xạ của các bệnh viện với các vai trò chính như: đánh giá liều bệnh nhân và nhân viên y tế, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn bức xạ cho bệnh nhân, nhân viên và dân chúng; Lập kế hoạch xạ trị; Tham vấn và tư vấn với các bác sĩ và các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ khác trong việc tối ưu hóa sự cân bằng giữa tác động có lợi và có hại của bức xạ; Kiểm tra đảm bảo chất lượng thiết bị sử dụng bức xạ ion hóa.
    • Làm việc tại các viện nghiên cứu có liên quan đến bảo vệ chống bức xạ, thiết bị y tế, vật lý sức khỏe, liều lượng học.
    • Cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, kiểm định thiết bị y tế.
    • Công ty cung ứng thiết bị y tế, dịch vụ kiểm định thiết bị y tế.
    • Giảng dạy các chuyên ngành liên quan vật lý y khoa.

Những năm qua, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã giới thiệu cho sinh viên tốt nghiệp ngành Vật lý Y khoa đến làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp. Thường, trên 95% sinh viên tốt nghiệp của ngành đã có việc làm, trong đó điển hình là làm việc tại các đơn vị như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Quân y 175,…

Tạp chí Giáo dục điện tử Việt Nam

Tags:
1900 2039