Ngày Quốc khánh Việt Nam 2/9/1945 chính là ngày khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng Hòa và ngày nay chính là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ngày 2/9 được xem là một cột mốc chói lọi trong hành trình nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta, dù thời gian đã trôi qua nhưng những chiến tích vẻ vang của dân tộc vẫn còn mãi với thời gian, với bản tuyên ngôn bất hủ mà các thế hệ sẽ không thể nào quên.
Nhắc đến ngày lễ Quốc Khánh 2/9 trong trái tim mỗi người Việt Nam lại bùng lên những cảm xúc thiêng liêng, xúc động, niềm tin kiêu hãnh và lòng tự hào dân tộc. Ngoài ra đây cũng là dịp để mọi người trên đất nước Việt Nam cùng nhớ tới những công lao hy sinh to lớn của các cha ông đi trước. Nhớ lại chặng đường lịch sử gian khổ và hào hùng, từ đó dân ta càng phải tiếp tục xây dựng và bảo vệ tổ quốc phát triển hơn nữa.
Trong lịch sử hàng ngàn năm của mình, dân tộc Việt Nam đã viết nên những trang sử vàng trong sự nghiệp chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước; đó là những Bạch Đằng, Chi Lăng, Xương Giang, Đống Đa…Trong những trang sử huy hoàng, vĩ đại ấy, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là trang sử vẻ vang nhất, là sự kiện trọng đại nhất trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc Lập vào ngày 2/9/1945
Lịch sử Việt Nam, giai đoạn những năm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX là thời kì đen tối cùng cực của dân tộc. Cả dân tộc Việt Nam dưới sự áp bức hung tàn của thực dân Pháp, tiền đồ dân tộc đen tối như không có đường ra. Một dân tộc có hàng ngàn năm lịch sử và một nền văn hóa đặc sắc, một dân tộc của những anh hùng, triết gia, thi sĩ; dân tộc đã làm nên những chiến công hiển hách trong lịch sử; hậu duệ của những bậc anh hùng nổi tiếng: Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung…nhưng trong những năm tháng này đã phải chịu thảm cảnh đau thương của những năm dài nô lệ. Bao nhiêu máu đã đổ, bao nhiêu đầu những người yêu nước đã rơi. Phan Bội Châu bị tù đày, Phan Châu Trinh lận đận ở trời Tây, mấy chục tên lính lê dương đã hạ thành Hà Nội để Tổng đốc thành Hoàng Diệu phải tuẫn tiết theo thành; con mất cha, vợ mất chồng, nước mất, nhà tan. Một dân tộc với tinh thần quật cường nhưng trong bối cảnh đau thương ấy, chí khí của các bậc sĩ phu, trí thức đương thời đã không thắng nổi dã tâm và vũ khí của quân thù. Những thế hệ người Việt Nam khi ấy đã phải nếm trải nỗi đau thân phận nô lệ của người dân mất nước, là người nhưng không được quyền làm người.
Thuở nô lệ thân ta nước mất
Cảnh cơ hàn, trời đất tối tăm
Một đời đau suốt trăm năm
Chim treo trên lửa cá nằm dưới dao
Giặc cướp hết non cao biển rộng
Cướp cả tên nòi giống tổ tiên
Lưỡi gươm cắt đất ngăn miền
Núi song một khúc ruột liền chia ba (Tố Hữu)
Tất cả những khổ đau đã chất chứa trong lòng bao thế hệ tạo nên sức mạnh quật cường làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công với sự ra đời của nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ngày 2 tháng 9 năm 1945 là sự kiện vĩ đại trong lịch sử oanh liệt hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc cách mạng vĩ đại này, nhân dân Việt Nam triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh đã nhất tề vùng lên với sức mạnh chuyển núi, dời sông đập tan mọi xích xiềng nô lệ, giành chính quyền về tay nhân dân, thành lập nhà nước dân chủ cộng hòa, đưa người dân từ thân phận nô lệ trở thành người chủ thực sự của nước nhà.
Từ sáng sớm lễ Quốc khánh ngày mùng 2/9, hàng chục vạn người hàng ngũ chỉnh tề, cờ hoa khoe sắc, áo quần tươi màu đỏ thắm đã dồn về quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Những biểu ngữ nền đỏ chữ vàng bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Hoa, Nga chăng ngang đường phố.
Hào hứng ý chí của nhân dân được biểu lộ trên các dòng chữ: “Nước Việt Nam là của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết”, “ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Lễ đài bằng gỗ đơn sơ được dựng lên giữa quảng trường Ba Đình uy nghiêm, đội tự vệ vũ trang cùng đơn vị Quân Giải phóng đầu đội mũ ca lô, quân phục nghiêm trang, chỉnh tề, hàng ngũ thẳng tắp đứng trước lễ đài. Những chiến sĩ cách mạng đã từng anh dũng chiến đấu ở Bắc Sơn, Võ Nhai, lập nên các chiến công Nà Ngần, Phai Khắt, giờ đây vẫn nắm chắc tay súng, một lòng bảo vệ nền Độc lập mới ra đời. Hơn 50 vạn người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, ai ai cũng nét mặt hân hoan phấn khởi chờ đón giờ khai sinh của chế độ mới- chế độ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cũng cùng giờ này, thì nhiều cuộc mít tinh lớn đã được tổ chức tại Huế, Sài Gòn và nhiều thành phố khác. Muôn triệu trái tim đang hồi hộp hướng về Hà Nội, đợi chờ giây phút thiêng liêng nhất.
Ngày Quốc khánh Việt Nam có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng
Đúng 14 giờ, ngày 02/09/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo trong Chính phủ lâm thời bước ra lễ đài. Bản nhạc Tiến quân ca hùng tráng vang lên, mọi ánh mắt đều hướng về lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ đang từ từ được kéo lên theo nhịp điệu của bài hát. Hàng chục vạn tay nắm chặt tay giơ lên ngang tai, thể hiện lòng quyết tâm và ý chí sắt đá, kiên cường, kính chào lá cờ vinh quang của Tổ quốc.
Trên lễ đài lớn tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh của đông đảo nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời, đã trang trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, bắt đầu từ nay Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra đời.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập!….Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.”
Ngay sau khi tuyên bố độc lập ngày 2-9, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng toàn dân xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân. Ngày 03/9/1945, chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ lâm thời đã họp phiên đầu tiên do Hồ Chí Minh chủ tọa và đề ra nhiều chính sách đặc biệt quan trọng trong đó có 3 nhiệm vụ cấp bách là: Diệt giặc đói, gặc dốt và giặc ngoại xâm. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chính phủ đã thống nhất với đề xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh về 6 nội dung cấp bách phải thực hiện, đó là: Phát động tăng gia sản xuất, mở các cuộc lạc quyên để chống nạn đói; Mở phong trào chống nạn mù chữ; Tổ chức càng sớm càng tốt cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, thực hiện các quyền tự do dân chủ cho nhân dân; Mở phong trào giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, bài trừ các tệ nạn do chế độ thực dân để lại; Xóa bỏ các thứ thuế vô lý, trước mắt là thuế thân, thuế chợ, thuế đò; tuyệt đối cấm hút thuốc phiện; Tuyên bố tự do tín ngưỡng và lương giáo đoàn kết. Chính phủ cũng ban hành sắc lệnh thành lập Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính địa phương các cấp. Ngoài ra, để khắc phục nạn đói khủng khiếp trước đó do thực dân Pháp và Phát xít Nhật gây ra làm cho 2 triệu đồng bào miền Bắc chết đói, Chính phủ đã tổ chức lễ phát động phong trào cứu đói, phái một ủy ban vào Nam bộ tổ chức vận chuyển gạo ra Bắc, kêu gọi các hội buôn và người dân tham gia vận chuyển lương thực từ Nam ra Bắc. Để giải quyết nạn đói, ngoài thực hiện nhiệm vụ cấp bách là cứu đói, Chính phủ kêu gọi nhân dân tăng gia sản xuất. Kết quả là chỉ trong 5 tháng từ tháng 11/1945 đến tháng 5/1946, sản lượng lương thực, chủ yếu là màu đạt tương đương 506.000 tấn lúa, đủ đắp được số thiếu hụt của vụ mùa năm 1945. Đến hết năm 1946, nạn đói đã cơ bản đã được giải quyết. Đúng một năm sau ngày tuyên bố độc lập, ngày 02 tháng 9 năm 1946, Chủ tịch quân sự Võ Nguyên Giáp tuyên bố “Cuộc cách mạng đã chiến thắng được nạn đói, thật là một kỳ công của chế độ dân chủ”.
Nếu như năm 1945, trên 95% dân số Việt Nam mù chữ thì đến cuối năm 1946, riêng ở Bắc Bộ và Trung Bộ đã có trên 2,5 triệu người biết đọc, biết viết v.v…Trong 6 vấn đề cấp bách được nêu ra có vấn đề “Tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”…Một tháng sau, kể từ ngày Cách mạng tháng Tám thành công, trong bài Chính phủ là công bộc của dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người… đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”. Chỉ hơn một tháng sau khi thành lập chính quyền cách mạng, trong thư gửi ủy ban nhân dân các cấp, Người đã thẳng thắn chỉ ra những lỗi lầm của đội ngũ cán bộ ủy ban các cấp hay mắc phải như: cậy thế, hủ hóa, tư túi, chia rẽ, kiêu ngạo và chỉ rõ những biểu hiện cụ thể của từng lỗi lầm đó. Người nghiêm khắc phê phán những biểu hiện như: “ngang tàng, phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân”…
Thắng lợi vĩ đại của cách mạng Tháng 8 năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã viết “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, nắm chính quyền toàn quốc”.
Đúng 14 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo trong Chính phủ lâm thời bước ra lễ đài. Bản nhạc Tiến quân ca hùng tráng vang lên, mọi ánh mắt đều hướng về lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ đang từ từ được kéo lên theo nhịp điệu của bài hát. Hàng chục vạn tay nắm chặt tay giơ lên ngang tai, thể hiện lòng quyết tâm và ý chí sắt đá, kiên cường, kính chào lá cờ vinh quang của Tổ quốc.
Trên lễ đài lớn tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh của đông đảo nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời, đã trang trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, bắt đầu từ nay Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra đời.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập!….Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.”
Nhắc đến ngày lễ Quốc khánh 2/9 trong trái tim mỗi người Việt Nam lại bùng lên những cảm xúc thiêng liêng, xúc động, niềm tin kiêu hãnh và lòng tự hào dân tộc. Đây cũng là dịp để bất cứ người dân Việt Nam, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài cùng hướng về Tổ quốc, cùng nhau tưởng nhớ những người anh hùng đã hy sinh bất khuất và biết ơn công lao của Bác Hồ vĩ đại – vị anh hùng dân tộc. Nhân dịp ngày lễ Quốc Khánh đang đến gần, chúng ta cùng nhau ôn lại những ý nghĩa lịch sử của ngày lễ trọng đại này.
Với ý nghĩa lịch sử trọng đại này ngày mùng 2/9 đã được lấy làm ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ngày 2/9 như một mốc son chói lọi, như một “chứng nhân lịch sử” dù thời gian đã trôi qua nhưng những chiến tích vẻ vang của dân tộc vẫn còn mãi với thời gian, với bản tuyên ngôn bất hủ mà các thế hệ sẽ không thể nào quên.
Văn phòng Đảng ủy (Sưu tầm, biên tập)