“Không có gì quý hơn độc lập, tự do.” – Lời dạy không chỉ là kim chỉ nam cho dân tộc trong những năm tháng kháng chiến gian khổ, mà còn là ngọn lửa rực cháy âm thầm trong trái tim của bao thế hệ sinh viên trường Bác hôm nay – những người đang sống, học tập và lớn lên trong hòa bình.
Giữa thành phố mang tên Người – nơi nhịp sống hiện đại hòa quyện với chiều sâu lịch sử – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành vững vàng như một ngọn hải đăng tri thức, nơi từng thế hệ sinh viên được chắp cánh ước mơ, lớn lên trong hòa bình, và nuôi dưỡng trong tim một tình yêu tha thiết với Tổ quốc.
Đúng 11 giờ 30 phút, quân ta tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc lập. Bộ tổng tham mưu Ngụy – Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng (Nguồn ảnh Internet)
Là ngôi trường vinh dự mang tên Bác thời thanh niên, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành không chỉ là nơi tiếp sức học thuật, mà còn là nơi nuôi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và khát vọng được cống hiến. Trong những ngày tháng Tư lịch sử – khi cả nước hòa chung nhịp đập hướng về mốc son 30 tháng 4 – ký ức về đại thắng mùa Xuân 1975 lại trở về đầy xúc động trong từng trái tim sinh viên nơi đây.
Ngôi trường mang tên Bác thời thanh niên, nhìn từ ‘view’ của đội hình trực thăng đang tập luyện, mới thấy hòa bình thật đẹp đến nhường nào
Trên giảng đường của mái nhà Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, giữa những buổi toạ đàm về lịch sử, những thước phim tư liệu được chiếu chậm, những lá thư từ chiến trường được đọc lên… hình ảnh đoàn quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới giữa trời Sài Gòn, tiếng reo mừng chiến thắng – như sống dậy, chân thực và đầy thiêng liêng. Chúng tôi – thế hệ sinh viên hôm nay – lặng người trước sự hy sinh vĩ đại của cha ông. Hòa bình không phải điều ngẫu nhiên, mà là kết tinh của máu, nước mắt và những lời hứa trở về còn dang dở.
Chúng tôi hiểu rằng, hoà bình hôm nay được đánh đổi bằng tuổi 20 dừng mãi, hình bóng người mẹ đợi con trở về và cả những câu chuyện tình thời chiến của thế hệ cha anh đi trước. Những người lính không tiếc thân mình, những bà mẹ tiễn con ra trận, những cô gái thanh niên xung phong ngày đêm bám trụ ở tuyến đường Trường Sơn… Mỗi câu chuyện là một bài học không sách vở nào có thể thay thế.
Và hôm nay, giữa những giảng đường hiện đại, thư viện ngập tràn sách, phòng lab công nghệ cao, sân trường rợp bóng cây – tuổi trẻ NTTU đang sống trong hoà bình, được học tập, được mơ ước và được khát khao cống hiến. Hoà bình là khi chúng ta nghe tiếng máy bay lướt ngang bầu trời, nhưng vẫn thấy yên tâm vì biết đó là những chuyến bay của Việt Nam, mang tri thức, kết nối tương lai. Tại Trường Bác, chúng tôi không chỉ học để làm, mà còn học để yêu – yêu đất nước, yêu hòa bình, và yêu sứ mệnh bảo vệ những giá trị ấy.
Sinh viên Trường Bác không chỉ sống trong hòa bình, mà còn là những người có trách nhiệm xây dựng một tương lai vững chắc cho đất nước. Dù học ở các chuyên ngành khác nhau, chúng tôi luôn cống hiến sức mình cho những mục tiêu chung của cộng đồng và đất nước. Từ các hoạt động bảo vệ Tổ quốc, phát triển cộng đồng, đến những sáng kiến khởi nghiệp, sinh viên Trường Bác luôn nỗ lực hành động vì một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và đoàn kết.
Tiêu biểu, cựu sinh viên Nguyễn Thành Đạt, khoa Du lịch, là một trong những tấm gương sáng của tinh thần dấn thân. Dù có cơ hội nghề nghiệp rộng mở, anh vẫn chọn viết đơn tình nguyện nhập ngũ, quyết định không chỉ là một hành động cá nhân, mà là một tuyên ngôn đầy trách nhiệm của một người trẻ sẵn sàng đặt Tổ quốc lên trên lợi ích bản thân.Những thế hệ sinh viên hôm nay – lớn lên trong thời bình – vẫn giữ trong tim mình ngọn lửa của tinh thần dấn thân. Họ là “mầm xanh của hòa bình”, nhưng không hề an phận trong sự an toàn quen thuộc. Họ bước ra, dấn thân và cống hiến – từ phòng thí nghiệm đến mặt trận biên giới, từ hội trường khoa học đến những chiến dịch tình nguyện khắp miền.
Hình ảnh cựu sinh viên Nguyễn Thành Đạt hăng hái tham xa hoạt động vì cộng đồng do đơn vị tổ chức, xứng đáng với hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”
Thạch Thị Kiều Mi – Cựu sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật ô tô khoá 18 luyện tập cho lễ diễu binh, diễu hành Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (𝟑𝟎/𝟒/𝟏𝟗𝟕𝟓 – 𝟑𝟎/𝟒/𝟐𝟎𝟐𝟓)
Bạn Nguyễn Thị Kim Thi, sinh viên Khoa Luật vinh dự được nhận nhiệm vụ đại diện lực lượng Khối nữ du kích miền Nam tham gia diễu binh, diễu hành Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024)
Hình ảnh “những bóng hồng NTTU” như cựu sinh viên Thạch Thị Kiều Mi – Khoa Kỹ Thuật Công Nghệ; Nguyễn Thị Kim Thi – Khoa Luật, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trên thao trường trong lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ khiến người ta ngưỡng mộ vì nét đẹp dịu dàng, mà còn vì tinh thần kiên cường và bản lĩnh sẵn sàng góp sức gìn giữ hòa bình, lan tỏa giá trị văn hóa Việt.
Hòa bình là khi sinh viên có thể thoải mái tranh luận trong lớp về các vấn đề toàn cầu, là khi các bạn trẻ tự do sáng tạo trong các dự án khởi nghiệp, là khi tiếng nhạc vang lên trong một buổi biểu diễn ở hội trường lớn mà không ai phải lo sợ tiếng bom rơi đạn lạc.
Nguyễn Phước Vinh – sinh viên Khoa Truyền thông sáng tạo – chia sẻ trong xúc động: “Mỗi sáng đi qua sân trường, nhìn lá quốc kỳ tung bay giữa nền trời xanh, em lại nghĩ đến hàng triệu người đã ngã xuống để lá cờ ấy có thể hiện diện hôm nay. Là sinh viên Trường Bác, em tự nhủ phải sống có trách nhiệm, học tập nghiêm túc và không ngừng cống hiến.”
Nguyễn Ngọc Bảo Trân – sinh viên ngành Y khoa – bày tỏ: “Em luôn tự hào khi được học tập trong một ngôi trường mang tên Bác. Những tiết học lịch sử hay những buổi sinh hoạt chuyên đề về đất nước luôn khiến em trân trọng hơn từng khoảnh khắc bình yên hôm nay.”
Trần Nhật Minh – sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm – chia sẻ: “Hòa bình là khi chúng em có thể tự do phát triển những ý tưởng công nghệ phục vụ cộng đồng. Em tin rằng học công nghệ là để phụng sự con người – đó cũng là cách thể hiện lòng yêu nước thời hiện đại.”
Lê Quỳnh Như – sinh viên ngành Thiết kế đồ họa – tâm sự: “Khi vẽ những poster cho chương trình kỷ niệm 30 tháng 4, em không chỉ thấy mình là sinh viên ngành thiết kế, mà còn là một người đang góp phần gìn giữ ký ức lịch sử qua nghệ thuật.”
Đinh Văn Khánh – sinh viên ngành Logistics – nói: “Mỗi ngày đến trường là một ngày em biết ơn. Em mong muốn được góp phần đưa hàng Việt ra thế giới – để Việt Nam mạnh mẽ không chỉ trong quá khứ mà cả trong tương lai.”
Trần Thị Mỹ Duyên – sinh viên ngành Điều dưỡng – chia sẻ: “Ngành em học dạy em rằng, chăm sóc con người là trách nhiệm lớn. Nhưng nhờ được sống trong hòa bình, em càng hiểu rõ hơn sự quý giá của sự sống và sức khỏe.”
Nguyễn Hoàng Vũ – sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh – nói: “Mỗi dịp 30.4, em lại thấy yêu đất nước hơn. Em học để mai này trở thành một doanh nhân biết làm giàu cho mình và cho nước.”
Không chỉ sinh viên Việt Nam, mà cả những bạn trẻ quốc tế đang học tập tại NTTU cũng cảm nhận rõ không khí linh thiêng của tháng Tư. Du học sinh Phouanousak Thanousone – Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào chia sẻ bằng chất giọng trầm ấm: “Mình chọn Việt Nam để học vì mình yêu văn hóa và con người nơi đây. Nhưng chính khi học tại NTTU, mình mới thực sự cảm nhận được giá trị của hòa bình – một giá trị không thể đong đếm được bằng vật chất. Tình yêu nước của các bạn sinh viên Việt Nam khiến mình cảm phục. Mình muốn mang tinh thần đó về quê hương mình – sống tử tế, biết ơn và góp phần gìn giữ những điều tốt đẹp”.
Du học sinh VILAYSACK Latdavan Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào – nói: “Mình biết đến lịch sử Việt Nam qua sách, nhưng khi sống ở đây, đặc biệt là học tại NTTU, mình mới thực sự hiểu thế nào là lòng yêu nước. Người Việt các bạn yêu hòa bình bằng một trái tim sâu sắc – điều đó truyền cảm hứng mạnh mẽ cho mình và góp phần thắt chặt thêm tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Lào – Việt Nam.”
Những chương trình học gắn với thực tế, những chuyến xe tình nguyện lăn bánh đến các vùng xa, những hoạt động tri ân, những diễn đàn khởi nghiệp, các buổi giao lưu quốc tế… tất cả đều thể hiện một sứ mệnh rõ ràng mà Trường Đại học Nguyễn Tất Thành luôn ấp ủ: không chỉ đào tạo công dân toàn cầu, mà còn nuôi dưỡng những con người tử tế, biết yêu nguồn cội và dấn thân phụng sự cộng đồng.
Nếu niềm tự hào có hình dáng thì đó là Lá cờ đỏ sao vàng. Nếu lòng yêu nước có âm thanh thì đó là tiếng Quốc ca vang xanh. Nếu lịch sử có hương thơm, đó là hương nhang khói trong những ngày tưởng nhớ. Dẫu rằng bao thế hệ mai sau, thì tình yêu nước cũng chẳng bao giờ phai nhạt. Vì trong tim mỗi người vẫn có một lá cờ phấp phới, được tung bay bởi niềm tin Việt Nam vững bền. Nếu có kiếp sau vẫn mong làm người Việt Nam. Dù trải qua bao kiếp người, thì vẫn mong làm người Việt Nam.
Bởi được làm người Việt Nam, sống giữa hòa bình và học tập dưới mái trường mang tên Bác – đã là một điều thiêng liêng. Và vì thế, chúng tôi – những sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành – càng khắc sâu hơn trong tim mình sứ mệnh gìn giữ hòa bình, trân quý tự do và viết tiếp những trang sử mới cho đất nước bằng tri thức, lòng biết ơn và khát vọng vươn xa.
50 năm sau ngày non sông liền một dải, đất nước ta vươn mình mạnh mẽ giữa trường quốc tế, và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành – giữa lòng TP.HCM – chính là minh chứng sống động cho một Việt Nam đổi mới, hội nhập, nhưng chưa bao giờ quên những trang sử được viết bằng máu và niềm tin.
Hòa bình là món quà vô giá. Và nếu phải viết một lời thề cho thế hệ hôm nay, thì đó sẽ là: “Chúng tôi – thế hệ sinh viên thời bình – nguyện sống tử tế, sống có ích, sống vì đất nước. Vì yêu nước hôm nay không chỉ là đứng nơi biên cương, mà còn là không ngừng sáng tạo, học tập và phụng sự – ngay giữa thành phố mang tên Bác, giữa mùa hoa hòa bình ngát hương.”
Nội dung và đồ họa: Cẩm Thạch