Trang chủ / Góc sinh viên / Trường ĐH Nguyễn Tất Thành triển khai mô hình: Xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm vi sinh trên đồng ruộng

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành triển khai mô hình: Xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm vi sinh trên đồng ruộng

ppblong / 12:47 am 19/10/2023

Vừa qua, ngày 16/10/2023, Viện Khoa học Xã hội Liên ngành, Viện Nghiên cứu và Phát triển Sinh học Nông nghiệp tiên tiến, Viện Ứng dụng Công nghệ và Phát triển bền vững của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã kết hợp cùng triển khai Dự án quốc tế: “Mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm vi sinh” do tổ chức VACNE, GAHP, DEFRA tài trợ tại xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai.

Buổi khảo sát và báo cáo được tổ chức thực hiện tại UBND xã Sông Ray với sự tham dự của Ban lãnh đạo và cán bộ Xã Sông Ray, các chuyên gia quốc tế đến từ Anh, Pháp, Ý, Mỹ, Ucraina, Nga, Canada, và về phía nhà trường Đại học Nguyễn Tất Thành có sự tham dự PGS.TS Trần Thị Hồng – Phó hiệu trưởng nhà trường, PGS.TS. Bạch Long Giang – Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ, PGS.TS Đinh Văn Phúc – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội liên ngành và các thành viên nhóm nghiên cứu.

PGS.TS Đinh Văn Phúc trình bày nội dung dự án “Mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm vi sinh” 

Việt Nam là một nước nông nghiệp phát triển mạnh, trong đó lúa được xem là loại cây chủ lực đưa nước ta trở thành một trong những quốc gia sản xuất lúa gạo hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, gốc rơm rạ sau khi thu hoạch lúa vẫn chưa được xử lý một cách hiệu quả. Một trong những cách được bà con sử dụng phổ biến đó là đốt để cung cấp chất dinh dưỡng cho đất, đây là một quan niệm sai lầm, bởi khi đốt rơm rạ lộ thiên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. Việc đốt lộ thiên, đặc biệt là đốt rơm rạ trước khi quá trình canh tác cho những vụ mùa tiếp theo sẽ gây ra hiện tượng sương mù, tăng nồng độ ô nhiễm không khí và góp phần vào biến đổi khí hậu, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của những người nông dân. Việc đốt lộ thiên làm đất bị chai sạn do phá hủy kết cấu của đất và cũng làm phá hủy hệ sinh vật trong đất, đất cứng không còn tơi xốp như ban đầu.

PGS. TS. Đinh Văn Phúc (Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Xã hội Liên ngành) đưa ra mô hình “Xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm vi sinh” hướng đến các lợi ích cho người nông dân như: Phân hủy nhanh gốc rơm rạ ngay tại ruộng; Biến rơm rạ thành phân bón tại ruộng đồng; Tăng năng suất, giảm phân bón hóa học; An toàn thân thiện với môi trường.

Theo ông Ngô Ngọc Hướng (ấp 9, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai), người dân áp dụng mô hình, cho biết: “Khi chưa sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý gốc rơm rạ thì quá trình phân hủy rơm rạ diễn ra rất lâu. Từ khi sử dụng chế phẩm vi sinh, khi gặt xong, ngâm ruộng lúa 24 giờ, sau đó rải thuốc vi sinh xuống ngâm từ 3-5 ngày, rồi để đó 15-20 ngày thì sạ. Rút ngắn thời gian gieo xạ. Quá trình sử dụng thuốc vi sinh xử lý rơm rạ nhận thấy rất là hiệu quả rõ rệt, hiện tượng “lúa ma” gần như không còn nữa”.

Nhà Nghiên cứu – Giảng Viên  – Viện Khoa học Xã hội Liên ngành, Viện Nghiên cứu và Phát triển Sinh học Nông nghiệp tiên tiến, Viện Ứng dụng Công nghệ và Phát triển bền vững tham quan dự án tại xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai

Theo PGS. TS. Đinh Văn Phúc: Việc sử dụng “Chế phẩm vi sinh xử lý gốc rơm rạ” tại đồng ruộng, chúng tôi nhận thấy những ưu điểm sau:
Thứ nhất, về vấn đề lúa ma, một trong những vấn đề lo ngại của người nông dân tại xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai rất quan tâm – đã được hạn chế rất nhiều. Hiện nay, chúng tôi nhận thấy rằng chưa có lúa ma sau một tháng lúa được gieo trồng.
Thứ hai, người dân sử dụng lượng phân bón ít hơn so với lượng phân bón ban đầu. Nếu như trước đây, trong 1 mùa vụ người nông dân sử dụng 40kg phân bón thì hiện nay chỉ sử dụng 30kg phân bón.

Điều này cho thấy: “Việc chuyển từ việc đốt đồng sau thu hoạch lúa sang sử dụng chế phẩm vi sinh để phân hủy gốc rơm rạ ngay tại đồng ruộng là một tiến bộ quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển bền vững của nông nghiệp. Sử dụng chế phẩm vi sinh đã phân hủy thành công gốc rơm rạ và chuyển hóa thành mùn cung cấp lượng dinh dưỡng cho cây trồng, đặc biệt là cây lúa. Hy vọng rằng sau 2 tháng nữa đến mùa thu hoạch, sản lượng lúa sẽ tăng lên. Chúng tôi mong rằng việc sử dụng việc chế phẩm vi sinh giảm thiếu công sức trong quá trình canh tác đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế, đặc biệt năng suất của cây lúa được tăng lên.”

Viện Khoa học Xã hội liên ngành

Tags:
1900 2039